Luật Hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, có lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của bộ máy hành chính nhà nước. Cùng với các ngành luật khác, Luật Hành chính đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong mấy thập kỷ vừa qua. Vị trí, vai trò của ngành Luật Hành chính tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết khẳng định, cần tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính, quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, đây vừa là mục tiêu, vừa là những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân trong giai đoạn mới.
Cuốn sách Luật Hành chính Việt Nam: Từ truyền thống đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do PGS.TS. Vũ Công Giao, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, PGS.TS. Đặng Minh Tuấn đồng chủ biên, được chia thành hai phần: Phần I gồm một số bài viết đề cập sự phát triển của Luật Hành chính, khoa học Luật Hành chính Việt Nam từ trước tới nay, bao gồm một số vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra với sự phát triển của ngành luật này. Phần II gồm những bài viết đề cập nhiều nội dung cần cải cách, hoàn thiện của Luật Hành chính để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.