Thời gian qua, sau khi lực lượng Công an chính quy về xã đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn so với trước; tuy nhiên, lực lượng Công an chính quy cấp xã vẫn rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ do chưa có quy định, cơ chế thống nhất để huy động lực lượng hỗ trợ thực hiện, vì vậy rất cần thiết phải có một lực lượng tự quản về an ninh, trật tự bố trí tại cơ sở để tham gia bảo đảm an ninh, trật tự.
Hiện nay, quy định pháp luật hiện hành về 3 lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm: Dân phòng, Bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách được quy định ở các văn bản quy phạm khác nhau, chưa có văn bản thống nhất cho các lực lượng tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trên thực tế, nhiều địa phương đã thành lập nhiều tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với nhiều tên gọi khác nhau và đều là lực lượng quần chúng tự nguyện, được thành lập theo các quy định pháp luật.
Cuốn sách Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.