Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15/11/2022. Luật gồm 5 chương, 61 điều, quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chốngrửa tiền. Luật năm 2022 kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số hoạt động kinh doanh mới phát sinh có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền mà tổ chức thực hiện hoạt động đó phải thực hiện báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo; áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Luật cũng bổ sung quy định Cục phòng, chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng phòng, chống rửa tiền, thu nhập, phân tích và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền, giám sát phòng, chống rửa tiền và chuyển giao thông tin giám sát phòng, chống rửa tiền, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước.