Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Đây là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, trên thế giới, đa số quốc gia bằng hình thức hoặc tên gọi khác nhau đều ban hành đạo luật riêng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Ở Việt Nam, ngay từ xa xưa, ông cha ta luôn xác định nhiệm vụ bảo vệ người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phòng thủ dân sự. Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 do Bộ Chính trị ban hành yêu cầu: “Sau năm 2010 xây dựng mới các đạo luật về phòng thủ dân sự”; ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Việc ban hành Luật góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống phòng thủ dân sự; là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe tài sản của Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng an ninh và từng bước hội nhập quốc tế.
Nội dung cuốn sách là toàn văn Luật Phòng thủ dân sự năm 2023. Luật gồm 7 chương, 55 điều, quy định về nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.