Luật Tài nguyên nước được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 và thay thế Luật Tài nguyên nước năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2020.
Luật gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn, chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác, để thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng nước từ Trung ương đến địa phương.