Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09-6-2000. Sau khi được ban hành và áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội. Luật hôn nhân và gia đình đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thồng đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Do có những thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, một số quy định về nuôi con nuôi trong Luật hôn nhân và gia đình đã tỏ ra bất cập, do đó, ngày 17-6-2010, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua Luật nuôi con nuôi; Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2011. Luật đã bãi bỏ Chương VIII, Điều 105 và sửa đổi, bổ sung Điều 109 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Và vì vậy, kể từ ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành (01-01-2010) những quy định về nuôi con nuôi trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 sẽ hết hiệu lực pháp luật.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin pháp luật về những vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2010.
Cuốn sách gồm Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; Luật nuôi con nuôi năm 2010 (trích) và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010. Trong đó, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2010 là văn bản nhất thể hóa giữa Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và những nội dung được sửa đổi, bổ sung theo Luật nuôi con nuôi năm 2010.