Luật đo lường được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về Luật đo lường, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật giới thiệu đến bạn đọc cuốn Luật đo lường.
Luật này quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. Luật áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường tại Việt Nam.
Luật gồm 9 Chương, 58 Điều, điểm mới của Luật đo lường so với Pháp lệnh đo lường năm 1999 là có một mục riêng quy định cụ thể về kiểm tra nhà nước về đo lường (quy định tại chương VII). Theo đó, Luật quy định trường hợp vi phạm hành chính về đo lường có số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm lớn hơn mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì áp dụng hình thức phạt tiền với mức bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Số tiền thu lợi bất chính phải bị tịch thu.
Cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp này.
Luật còn quy định kiểm định đối chứng khi kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng phương tiện đo. Việc kiểm định đối chứng được thực hiện bởi tổ chức kiểm định khác thuộc Danh mục tổ chức kiểm định được chỉ định. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc kiểm định đối chứng và phương tiện đo thuộc đối tượng phải được kiểm định đối chứng. Đây là điểm mới thứ hai nhằm bảo đảm tính khách quan, tránh sự thông đồng giữa cơ quan kiểm định và doanh nghiệp.
Ngoài ra, luật còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng và cần thiết khác liên quan đến hoạt động đo lường.
Luật gồm 9 chương:
Chương I: Những quy định chung
Chương II: Đơn vị đo, chuẩn đo lường
Chương III: Phương tiện đo
Chương IV: Phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
Chương V: Phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn
Chương VI: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường
Chương VII: Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường
Chương VIII: Trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường
Chương IX: Điều khoản thi hành