Luật gồm 7 chương và 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 và thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.
Một số điểm mới của Luật tổ chức Chính phủ năm 2015:
Theo quy định của Luật, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chức năng và phạm vi quản lý giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Chính phủ tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, năng động, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan cấp trên.
Cùng với đó, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; bảo đảm thực hiện một nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, hiện đại, phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân…