Luật tố tụng hành chính năm 2015 gồm 23 chương, 372 điều, là một trong 16 luật và 05 nghị quyết mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 và thay thế Luật tố tụng hành chính năm 2010.
Nội dung luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Với những sửa đổi, bổ sung mới, Luật tố tụng hành chính năm 2015 được đánh giá là có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tố tụng hành chính.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và áp dụng pháp luật, đặc biệt là các nội dung mới, các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật tố tụng hành chính năm 2010, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo tổ chức biên soạn cuốn sách Luật tố tụng hành chính năm 2015 dưới góc nhìn so sánh với Luật tố tụng hành chính năm 2010. Nội dung cuốn sách gồm 23 chương, trong đó Luật tố tụng hành chính năm 2010 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 được so sánh dưới hình thức lập bảng chia làm 2 cột. Tất cả các Điều có trong Luật tố tụng hành chính năm 2010 đều được tiến hành so sánh với Luật tố tụng hành chính năm 2015. Những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung trong Luật tố tụng hành chính năm 2015 so với Luật tố tụng hành chính năm 2010 được thể hiện bằng nét chữ “nghiêng, đậm” nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong qua trình tra cứu, áp dụng vào thực tiễn.
Cuốn sách là tài liệu sử dụng, tham khảo bổ ích đối với các cán bộ thực tiễn, những nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đại học và những người quan tâm đến cải cách tư pháp trong lĩnh vực hành chính.\