Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân bị thiệt hại trực tiếp về thể chất, tinh thần, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác do hành vi phạm tội gây ra.
Trong hoạt động tố tụng hình sự, với tư cách là người tham gia tố tụng, bị hại hay nạn nhân của tội phạm có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án và giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
Trong nghiên cứu tội phạm học, vấn đề nạn nhân không chỉ nhằm giúp cho việc đánh giá đúng tính chất, mức độ của tình hình tội phạm mà qua nghiên cứu mối liên hệ giữa nạn nhân với tội phạm có thể tìm hiểu được nguyên nhân và điều kiện của một số laoij tội phạm cũng như cho phép dự đoán được tình hình tội phạm. Đây là những vấn đề quan trọng giúp cho quá trình đấu tranh, phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Ở Việt Nam, nạn nhân học là lĩnh vực nghiên cứu khá mới mẻ dẫn đến những thiếu sót nhất định trong quá trình phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến nạn nhân của tội phạm.
Để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nạn nhân học: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Cuốn sách nghiên cứu những vấn đề cơ bản về nạn nhân của tội phạm, đưa ra khái niệm, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân của tội phạm trong tố tụng hình sự, quá trình nạn nhân hóa và nguyên nhân dựa trên các học thuyết về nạn nhân học; phân tích sự hình thành, phát triển nạn nhân học ở một số quốc gia trên thế giới; đồng thời chỉ ra tình hình phạm tội mua bán người và nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức và đấu tranh hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm.