Với vị thế là “Cánh chim đầu đàn”, “Anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam, trong 70 năm xây dựng và phát triển (1952 - 2022), Nhà hát Kịch Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đóng góp nhiều thành tựu vào sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nói riêng, nền văn hóa - nghệ thuật nói chung của nước nhà. Suốt 70 năm hoạt động và cống hiến, Nhà hát Kịch Việt Nam đã tạo ra những thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng như: NSND Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSƯT Nguyệt Ánh, NSƯT Hà Văn Trọng, NSƯT Mỹ Dung, NSƯT Phạm Bằng, NSƯT Quang Thái, Tú Mai… cùng các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng khác. Bằng trách nhiệm, sự nhiệt thành, say mê với nghề, tập thể Nhà hát đã dàn dựng và công diễn nhiều vở diễn nổi tiếng, trở thành kinh điển, xứng danh “Cánh chim đầu đàn” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Hàng trăm vở diễn của nhà hát đã được đón nhận nồng nhiệt và để lại nhiều tình cảm mến mộ của công chúng. Nổi bật là các vở diễn: “Luba”, “Khúc thứ ba tráng”, “Bài ca Điện Biên”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Nghêu Sò Ốc Hến”… Đây cũng là những vở diễn đã giành được các giải thưởng cao ở những kỳ liên hoan sân khấu trong nước và quốc tế.
Cuốn sách Nhà hát Kịch Việt Nam: 70 năm dấu ấn một chặng đường 1952 - 2022 giới thiệu khái quát quá trình hình thành và phát triển; điểm lại những dấu mốc, dóng góp quan trọng của Nhà hát đối với nền sân khấu kịch nói Việt Nam. Qua đó, phần nào bày tỏ sự tri ân, tôn vinh đối với những tác phẩm, tác giả, nghệ sĩ của Nhà hát đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, làm phong phú hơn bức tranh văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh mới.