Văn bản quy phạm pháp luật là một công cụ quan trọng và hữu hiệu để quản lý nhà nước. Hằng năm, cán bộ, công chức, viên chức dành khá nhiều thời gian, công sức để soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật là một công việc khó, độ phức tạp cao. Nội dung văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện được chính xác đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vể từng lĩnh vực công tác; đồng thời, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các cơ quan tổ chức, nhân dân giải quyết đúng đắn các công việc diễn ra trong xã hội, tạo động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng… Việc xây dựng tốt hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Năm 1996, Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, năm 2002, luật này đã sửa đổi, bổ sung một số điều và năm 2008, Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế cho luật năm 1996. Đồng thời năm 2004, Quốc hội thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hai luật trên.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về giảng dạy, học tập, nghiên cứu môn soạn thảo văn bản nói chung và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Những kiến thức cơ bản về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do PGS. TS. Nguyễn Minh Phương biên soạn. Cuốn sách nhằm hai mục đích:
- Bước đầu hệ thống hóa các quy định của Nhà nước về soạn thảo và ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật phổ biến hiện nay như luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, thông tư. Mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật đều trình bày cụ thể khái niệm, đặc điểm trình tự và thủ tục soạn thảo, góp ý kiến, thẩm định và thông qua văn bản, qua đó giúp người đọc thuận tiện trong việc học tập, nghiên cứu và thực hành về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
- Trình bày một số kinh nghiệm thực tế về việc tham gia soạn thảo các loại văn bản quy phạm pháp luật của tác giả. Đó là các kinh nghiệm xây dựng chương trình, kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức soạn thảo văn bản, thể hiện văn bản quy phạm pháp luật, việc đóng góp ý kiến, xem xét thông qua văn bản. Những kinh nghiệm về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được trình bày trong cuốn sách sẽ góp phần bổ sung, làm phong phú cho lý luận về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó cuốn sách hướng đến hai đối tượng độc giả chính:
Thứ nhất, là sinh viên đang học tập ở các trường đại học, cao đẳng của các ngành luật, hành chính, quản trị văn phòng, văn thư, lưu trữ và một số ngành học về khoa học xã hội và nhân văn, về kinh tế.
Thứ hai, là cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Cuốn sách có thể giúp ích cho công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, ôn thi nâng ngạch công chức, viên chức hằng năm.