Những “thảm họa” sách xảy ra từ biên tập
Lỗi biên tập do thiếu năng lực của biên tập viên góp phần khiến ngành xuất bản sách mỗi năm thêm dày đặc những thảm họa chữ nghĩa.
Một thời, biên tập viên mảng sách dịch của các nhà xuất bản đều là những dịch giả, nhà thơ, nhà văn có tiếng như Thái Bá Tân, Bằng Việt, Quang Chiến… Sách phải qua 4 lần biên tập và nhờ các dịch giả tài năng, khâu biên tập cẩn trọng, nhà xuất bản có lương tâm, trách nhiệm, các ấn phẩm ra đời đều được bạn đọc trân trọng. Còn hiện nay: “Chuyện người biên tập ở các nhà xuất bản không biết ngoại ngữ, không có khả năng thẩm định bản dịch quá phổ biến” - ông Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời là dịch giả với bút danh Ngân Xuyên - khẳng định.
“Canh cửa” tất cả các mảng
“Đội ngũ biên tập sách ở các nhà xuất bản hiện nay phải nói là quá kém” - ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định. Biên tập viên lẽ ra cần có trình độ cao hơn hẳn người dịch sách, người viết sách để đánh giá, thẩm định, cho nên họ chẳng khác nào chuyên viên, hay nói cách khác chính là các “bà đỡ” mát tay cho tác phẩm. Thế nhưng, hiện chỉ có các nhà xuất bản lớn và các công ty sách lớn, như Nhà xuất bản Thế giới, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, Công ty Sách Quảng Văn… mới có thể tuyển dụng nhiều biên tập viên cho hầu hết các mảng sách và có phân chia phòng ban: Ban biên tập văn học, Ban biên tập ngoại văn, Ban biên tập sách thiếu nhi, Ban biên tập sách khoa học...
Hiện trạng phổ biến là nhiều nhà xuất bản chỉ có khoảng 10 biên tập viên và phân công nhau “canh cửa” tất cả các mảng sách. Trong khi đó, chưa xét tới số đầu sách do nhà xuất bản tự khai thác, tổ chức, lượng sách đưa lên xin cấp phép từ các đối tác là cá nhân và các công ty sách cũng đã lên tới hàng mấy trăm đầu sách mỗi tháng. Chính vì vậy, các biên tập viên của nhà xuất bản làm việc quá tải khi phải nhận đọc, biên tập quá nhiều đầu sách thuộc các mảng khác nhau, nên tình trạng sai sót trong nhiều ấn bản trở nên quá… bình thường; thậm chí, mỗi năm xảy ra hàng trăm “thảm họa” sách.
Những cuốn sách có quá nhiều lỗi sai: Hai cuốn “Why” vừa họp báo công bố đã phải tự thu hồi;
bìa các cuốn “Kẻ trộm sách”, “Mật mã Da Vinci”, “Bản đồ và vùng đất”
Thiếu kiến thức và thiếu khả năng phân tích nên biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học, người chịu trách nhiệm biên tập cuốn sách Cuộc đời và sự nghiệp Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, nhà Nam Bộ học Sơn Nam do Nguyễn Thanh Nhã sưu tầm và biên soạn (Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2011, thuộc ấn phẩm sách liên kết với tư nhân) đã dễ dàng bỏ qua những đoạn ngớ ngẩn, sai sót về sử liệu khi tác giả viết về Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há rằng: “Cô đến với cách mạng từ độ tuổi thanh xuân. Cô đã sinh hoạt trong tổ chức Công hội đỏ của Xí nghiệp Ba Son, nơi cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng hoạt động trước khi làm thủy thủ tàu chiến Pháp”. Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há sinh năm 1911, còn Công Hội đỏ thành lập năm 1921. Vậy độ tuổi thanh xuân của Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há lúc tham gia Công hội đỏ là bao nhiêu?! Công hội đỏ do Chủ tịch Tôn Đức Thắng thành lập trước khi bị bắt đi làm thủy thủ trên tàu chiến Pháp sao?!
Mật mã Da Vinci bản dịch của Đỗ Thu Hà một thời bị dư luận xôn xao lên án vì để lại cả “rừng” lỗi. Kẻ trộm sách của Markus Zusak cũng là bản dịch tốt nhưng các tranh minh hoạ để xảy ra một số sai sót mà nếu biên tập viên đủ tầm thì đã nhìn ra điều đó. Tác phẩm kinh điển Iliad và Odyssey đã bị “Trung Quốc hóa” với những đoạn đối thoại tràn ngập các danh xưng “đại tỉ”, “ngu đệ”, “bỉ nhân”, “ngô bối”, “tiểu điệt”, “hiền huynh”… Nhiều tác phẩm dịch của Cao Việt Dũng gây tranh cãi cho dù cái tên dịch giả này vẫn rất sáng giá trong làng dịch thuật Việt Nam. Hồi năm 2012, bộ sách khoa học Why do First News Trí Việt hợp tác xuất bản vừa họp báo ra mắt đã phải tự đình bản, thu hồi vì lỗi dịch thuật liên quan đến những kiến thức khoa học. Giá như có được cặp mắt tinh tường, cái đầu sáng suốt của biên tập viên giỏi nghề can thiệp thì chắc chắn đã hạn chế những sản phẩm “lỗi” này.
Phải hướng đến chuyên nghiệp
Hầu hết những sai phạm nặng nề nhất đều là ấn phẩm liên kết xuất bản, tức do các công ty hoặc cá nhân chịu trách nhiệm. Thời gian vừa rồi, điển hình là Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, nổi cộm với hàng trăm sai phạm mỗi năm chỉ vì không còn nhân sự biên tập mà đơn thuần “bán giấy phép” cho nên hiện nhà xuất bản này đã nằm trong diện “quy hoạch”, sáp nhập, nói trắng ra là “xóa sổ”.
Từng là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hà Nội trước khi tách ra mở công ty sách của mình, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Sách Quảng Văn, hiểu khá rõ về hiện trạng của ngành cũng như những lỗi mà các biên tập viên thường mắc phải. Vì vậy, khi xây dựng Quảng Văn, yêu cầu tuyển biên tập viên đưa ra khá cao. Quảng Văn cũng là một trong những công ty sách đấu tranh mạnh mẽ nhất cho việc các biên tập viên toàn ngành phải được tham gia các lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ biên tập.
Tuy nhiên, những công ty sách hướng tới sự chuyên nghiệp và nâng cao trình độ cho biên tập viên như Quảng Văn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khá nhiều công ty sách khác, dù hoạt động cực mạnh, doanh số lớn nhưng mọi thứ đầu tư chỉ khoanh vùng ở phòng kinh doanh, nỗ lực thúc đẩy bán sách, còn các nhân sự của phòng biên tập chưa thật sự được đầu tư, chăm sóc.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết biên tập viên ở công ty sách tư nhân lại không được cấp chứng chỉ hành nghề, chưa được đàng hoàng đứng tên trên lý lịch sách và thực sự chịu trách nhiệm về công việc của mình, thay vì “núp bóng” các biên tập viên của nhà xuất bản mà nhiều khi chỉ là những cái tên “ảo” như hiện nay?
Lấp lỗ hổng xuất bản Làm thế nào để khắc phục những lỗi biên tập ngày càng trầm trọng và có thể nâng cao trình độ biên tập quá thấp của các biên tập viên đang “gác cửa” chữ nghĩa quan trọng? biên tập viên - nhà văn Tạ Duy Anh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) cho biết anh vừa trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ từ lớp tập huấn pháp luật biên tập. Ở vào lứa tuổi đã ngoại ngũ tuần, biên tập viên lão làng này vẫn cắp cặp đi học bởi thực tế cho thấy nhiều biên tập viên vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên đã để xảy ra những sai sót trầm trọng trong ấn phẩm. Ông Tạ Duy Anh khẳng định nếu cứ bị động, ngồi chờ thị trường sai khiến và tin cậy hoàn toàn vào trình độ thẩm định non nớt của các công ty sách tư nhân thì nhà xuất bản “chết chắc”. Để nâng cao trình độ của các biên tập viên, rõ ràng việc đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, cập nhật kiến thức thường xuyên là vô cùng quan trọng. Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (Nhà xuất bản Trẻ), ai cũng mong trở lại những ngày xưa, khi mà đội ngũ biên tập cho các nhà xuất bản đều là những cái tên của các học giả danh tiếng, trên tầm các tác giả. Đội ngũ biên tập viên xuất bản cần được tập huấn hằng năm. Ở nước ngoài, những lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành như thế được tổ chức thường xuyên nhưng ở Việt Nam, cơ hội dành cho các biên tập viên lại quá hiếm. |
Hòa Bình
Theo Báo Người Lao động
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023