Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 28/11/2021 - 11:11

 “An ninh chủ động và toàn diện” là nội dung xuyên suốt trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Quan điểm này được phản ánh cô đọng, sâu sắc trong cuốn sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ biên. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và ra mắt bạn đọc tháng 11/2021.

Cuốn sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Bàn về an ninh, quốc phòng, trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới, vì vậy, cần luôn chủ động đánh giá, dự báo đúng, đề ra đối sách xử lý kịp thời; có chủ trương, biện pháp, quyết tâm mạnh mẽ, chủ động phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược; không chủ quan, mất cảnh giác.

Trước đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định 5 bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh: “Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước”1. Trên cơ sở đó, nhiều nội dung mới trong nhận thức, tư duy về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia đã được Đại hội XIII của Đảng đề cập, phân tích sâu sắc, thấu đáo, từ đó làm cơ sở lý luận định hướng cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Những quan điểm đó được thể hiện ngắn gọn, sâu sắc trong cuốn sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Với sự am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình cảm yêu thương, gắn bó, chăm lo dành cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã dành nhiều tâm huyết, chỉ đạo sát sao việc biên soạn, biên tập, xuất bản cuốn sách trên với mong muốn cung cấp một tài liệu hữu ích cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong lực lượng Công an nghiên cứu, tham khảo, học tập để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn xây dựng và chiến đấu của lực lượng Công an.

Cuốn sách có dung lượng 280 trang, kết cấu gồm 2 phần, trình bày trang trọng, hiện đại với cách tiếp cận đi từ tổng quan những điểm mới về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia được đề cập, phân tích tại Đại hội XIII đến lựa chọn một số điểm mới nổi bật để phân tích, luận giải sâu sắc hơn.

Trên cơ sở tổng hợp và chắt lọc những nhận thức mới về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm và chủ yếu là Báo cáo chính trị, có sự so sánh, đối chiếu, đánh giá với văn kiện tại các kỳ Đại hội Đảng trước đây, cuốn sách trình bày sự phát triển nhận thức, tư duy của Đảng về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Phần thứ nhất: Bối cảnh mới và khái quát những điểm mới trong nhận thức, tư duy về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia.

Từ nhận định bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó dự báo, tác động mạnh mẽ đến môi trường an ninh của Việt Nam và phân tích bối cảnh trong nước sau 35 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhận thức, tư duy toàn diện, sâu sắc hơn về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia, thể hiện tập trung ở các điểm sau:

1) Nhận thức về an ninh quốc gia và vị trí của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh: “an ninh quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới là an ninh toàn diện”, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh được khẳng định là “trọng yếu, thường xuyên”.

2) Nhận thức về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” và xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Trước đây, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia chủ yếu được thực hiện trên phạm vi lãnh thổ đất . Những năm gần đây, do các nguy cơ từ bên ngoài ngày càng gia tăng và diễn biến phức , phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia  đã được mở rộng ra ngoài lãnh thổ đất nước, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia.

3) Nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và đối với lực lượng Công an nhân dân là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”2.

4) Nhận thức về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, tiếp tục được làm sâu sắc hơn với nhận định: Sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ mối liên hệ, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của nhân dân. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiều lần khái niệm “thế trận lòng dân” và quan điểm “dân là gốc”.

5) Tư duy về xây dựng lực lượng Công an nhân dân có nhiều điểm mới, toàn diện hơn, trong đó điểm nổi bật là xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại3. Bên cạnh đó, Đại hội chủ trương “tăng cường cơ sở” trong giữ gìn an ninh trật tự; nhấn mạnh yêu cầu “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng”; “Quan tâm chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng vũ trang và chính sách hậu phương quân đội, công an”.

6) Nhận thức về phương châm, kế sách bảo vệ an ninh quốc gia, Đại hội nhấn mạnh một số phương châm chủ yếu như “chủ động phòng ngừa”; “kiên quyết, kiên trì”. Về kế sách bảo vệ an ninh quốc gia, Đại hội khẳng định: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”; “Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính”. Quan điểm này là sự kế thừa, phát huy truyền thống, nghệ thuật giữ nước của dân tộc “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

7) Nhận thức về đối tác, đối tượng “có bước chuyển biến quan trọng”4, với quan điểm “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc”. Trên cơ sở đó, vấn đề đối tác, đối tượng trong bảo vệ an ninh quốc gia được Đảng ta xác định một cách khái quát, đầy đủ hơn, để từ đó xử lý vấn đề này trên thực tế một cách bình tĩnh, sáng suốt, hiệu quả hơn.

8) Nhận thức về huy động các nguồn lực trong bảo vệ an ninh quốc gia, nhấn mạnh: Nguồn lực bảo vệ an ninh quốc gia gồm các nguồn lực bên trong (trọng tâm là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp chặt chẽ và hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại) và các nguồn lực bên ngoài. Hai nguồn lực này cần được phát huy và kết hợp chặt chẽ.

9) Nhận thức về biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, khẳng định các biện pháp công tác của lực lượng Công an là biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân và biện pháp vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Phần thứ hai: Một số điểm mới nổi bật về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia.

Trên cơ sở trình bày khái quát những điểm mới trong nhận thức, tư duy về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng tại Đại hội XIII, cuốn sách dành phần nhiều dung lượng để đi sâu phân tích, luận giải “một số điểm mới nổi bật”, trọng tâm gồm:

1) An ninh con người và bảo vệ an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, trong đó khẳng định: Với cách tiếp cận “an ninh toàn diện” của Đảng và Nhà nước, việc bổ sung “an ninh con người” vào chiến lược an ninh quốc gia là cần thiết. Điều này cũng phản ánh quan điểm lấy người dân làm trung tâm trong các chiến lược quốc gia gần đây và sâu xa hơn là bản chất nhân văn của chế độ ta. Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia thực chất là bảo vệ an ninh con người và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Bảo vệ an ninh quốc gia suy cho cùng cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân, từ đó coi trọng và lấy thước đo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm tiêu chí, hiệu quả của công tác bảo vệ an ninh trật tự.

2) Xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thể hiện tư duy mới của Đảng trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, phù hợp với xu thế, yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và tiềm lực của đất nước hiện nay.

3) Nghiên cứu, phát triển lý luận an ninh được Đại hội XIII nhấn mạnh, là định hướng cơ bản, đồng thời đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác nghiên cứu, phát triển lý luận an ninh thời gian tới, hướng tới xây dựng và phát triển “nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội”.

4) Củng cố, phát huy tiềm lực quốc phòng, an ninh là quan điểm, chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân” nhằm gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

5) Kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại là biểu hiện cụ thể quan điểm tại Đại hội XIII của Đảng về “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con gười là rất quan trọng”5. Trên phương diện bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng, phát triển toàn diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại là cơ sở, tiền đề, là phương thức để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia. Và bảo vệ an ninh quốc gia là điều kiện rất quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với mong muốn cuốn sách sẽ là tài liệu học tập, quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia đến cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, đồng thời là tài liệu nghiên cứu, tham khảo của cấp ủy và bạn đọc trong cả nước, song song với việc xuất bản sách giấy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản phiên bản điện tử cuốn sách để phục vụ bạn đọc trên trang stbook.vnthuviencoso.vn.

TS. Vũ Thị Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.29.

 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.160-161.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.158.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.68.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.110-111.

Bình luận