Hiện nay, khi tham nhũng đã và đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu thì việc Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về chống tham nhũng là chủ trương đúng đắn, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với nhiều điều luật quy định về tội phạm tham nhũng. Đây được coi là một xu hướng tất yếu và một yêu cầu khách quan trong công cuộc hội nhập quốc tế nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc nội luật hóa các quy định của Liên Hiệp Quốc về lĩnh vực này trong Bộ luật Hình sự Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu của công ước đó. Vì vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội phạm tham nhũng trên cơ sở yêu cầu của các công ước quốc tế là rất cần thiết.
Cuốn sách chuyên khảo Nội luật hóa các công ước quốc tế đối với các hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự Việt Nam của TS. Trần Thị Ngọc Kim - Phó Trưởng khoa Luật học, Đại học Đà Lạt do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành đã đi sâu phân tích những vấn đề lý luận và pháp lý về nội luật hóa các công ước quốc tế đối với hành vi tham nhũng trong luật hình sự quốc gia như: các khái niệm về nội lực hóa, quy định của Việt Nam về nội luật hóa nói chung, về tham nhũng và các quy định về tham nhũng ở Việt Nam nói riêng, khái niệm nội luật hóa và cơ sở chính trị, pháp lý của việc nội luật hóa các quy định của các công ước quốc tế đối với hành vi tham nhũng trong Bộ luật hình sự Việt Nam; phân tích các điểm tương đồng cũng như khác biệt của Bộ luật hình sự Việt Nam so với yêu cầu của các công ước quốc tế về chống tham nhũng. Trên cơ sở đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật đối với các tội phạm có hành vi tham nhũng ở Việt Nam thông qua phân tích một số vụ án cụ thể, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Bộ luật hình sự Việt Nam trên cơ sở nỗ lực hóa các công ước quốc tế về chống tham nhũng.
Cuốn sách gồm 3 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp lý về nội luật hóa các công ước quốc tế đối với hành vi tham nhũng trong luật hình sự quốc gia. Chương 2: Yêu cầu của các công ước quốc tế về chống tham nhũng và đánh giá sự tương thích của Bộ luật hình sự Việt Nam. Chương 3: Thực tiễn áp dụng pháp luật đối với các tội phạm có hành vi tham nhũng ở Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện Bộ luật hình sự Việt Nam trên cơ sở nội luật hóa các công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng.