Chính quyền địa phương ở Việt Nam là một bộ phận hợp thành của chính quyền nhà nước, thực hiện các chức năng quản lý và quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhân dân địa phương với lợi ích chung của cả nước. Trong những năm qua, việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam đã được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương thời gian qua vẫn còn những bất cập, hạn chế. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cần phải có những nghiên cứu cơ bản nhằm tìm ra cách thức để phát huy những kết quả đạt được cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong vấn đề phân định về thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.
Cuốn chuyên khảo Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của tập thể tác giả công tác tại Học viện Hành chính quốc gia do PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh làm chủ biên, đã làm rõ những vấn đề lý luận về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay thông qua hoạt động phân cấp, phân quyền; phân tích thực trạng phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, đặc biệt là chỉ ra những vướng mắc, hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn thực hiện, trên cơ sở đó, các tác giả đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, duy trì một cơ chế phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiệu lực, hiệu quả.