An sinh xã hội là cơ chế bảo vệ mà xã hội thực hiện đối với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế các rủi ro trong cuộc sống của họ. Với mục đích góp một cái nhìn toàn diện về pháp luật an sinh xã hội nói chung và pháp luật an sinh xã hội Việt Nam nói riêng, cuốn sách Pháp luật an sinh xã hội: kinh nghiệm của một số nước đối với Việt Nam mang tính chuyên khảo sâu trình bày nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật an sinh xã hội. Cuốn sách nghiên cứu, phân tích hệ thống pháp luật an sinh xã hội ở một số nước tiêu biểu như Đức, Mỹ, Nga; đồng thời trình bày những nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở sử dụng phương pháp nghiên cứu, so sánh luật, tác giả nhận định, đánh giá chung về những ưu điểm, bất cập trong pháp luật hiện hành, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực này.
Cuốn sách được chia làm ba chương:
Chương I: Tổng quan hệ thống về an sinh xã hội, chương này nghiên cứu về nguồn gốc xuất xứ của thuật ngữ an sinh xã hội, vai trò của an sinh xã hội và các thiết chế an sinh xã hội dưới góc độ pháp luật quốc tế.
Chương II: Pháp luật an sinh xã hội của một số nước, chương này tập trung nghiên cứu pháp luật an sinh xã hội của một số quốc gia tiêu biểu như Hoa Kỳ, Đức và Nga. Đây là những quốc gia có những nét rất đặc trưng và có thể đại diện cho các mô hình an sinh xã hội khác nhau trên thế giới.
Chương III: Pháp luật về an sinh xã hội của Việt Nam, chương này giới thiệu khái quát hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, phân tích những đặc điểm của hệ thống và sự điều chỉnh của pháp luật đối với hệ thống. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực hiện pháp luật về an sinh xã hội của các quốc gia khác, các tác giả rút ra một số bài học để vận dụng vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam.
Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách về an sinh xã hội, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là sinh viên chuyên ngành luật.