Quốc hội biểu quyết thông qua 6 luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, sáng 20/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 Luật gồm Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất bản (sửa đổi). Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN.
Mở đầu phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật Xuất bản (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết thông qua với 92,37% số phiếu tán thành.
Luật Xuất bản (sửa đổi) gồm có 6 chương, 54 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản; hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 và thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12.
Tiếp đó, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này với 90,16% số phiếu tán thành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư được sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề: Tiêu chuẩn trở thành luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam; nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; điều kiện và phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế với 92,57% số phiếu tán thành.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung liên quan đến ba nhóm vấn đề gồm: Nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; Nhóm vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế...
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.
Cũng trong sáng nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật Dự trữ quốc gia, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này với 94,58% số phiếu tán thành.
Luật Dự trữ quốc gia gồm 6 chương, 66 điều quy định việc hình thành, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động dự trữ quốc gia. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.
Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 87,55% số phiếu tán thành.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm có 9 chương, 64 điều quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 7/ 2013. Luật Hợp tác xã số 18/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Cuối phiên họp sáng nay, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật này với 91,15%.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung các quy định về: Quy hoạch phát triển điện lực; bỏ việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo; giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; quy định về giá điện và các loại phí.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/7/2013.
Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi)./.
Đỗ Thoa
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023