Rút quân - Nhìn lại những năm cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam của Mỹ (1954-1975) để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về đường lối, chính sách, chiến lược đối ngoại của các chính quyền Mỹ có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến này, từ John F. Kennedy đến Lyndon B. Johnson và Richard M. Nixon.
Cuốn sách Rút quân - Nhìn lại những năm cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam
Rút quân - Nhìn lại những năm cuối cùng của Mỹ tại Việt Nam của tác giả Gregory A. Daddis - giáo sư sử học, chuyên gia về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Chiến tranh lạnh - là tác phẩm đánh giá mang tính đột phá và kể lại một câu chuyện hoàn toàn khác về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, nước Mỹ cử Tướng Creighton Abrams kế nhiệm Tướng William Westmoreland làm Chỉ huy Lực lượng hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV). Với tài lãnh đạo đầy cảm hứng và cách tiếp cận mới mẻ, Tướng Abrams đã tìm cách thoát khỏi bế tắc trong xung đột kéo dài. Trên thực tế, nếu Abrams chỉ huy thành công đến vậy, thì đáng lẽ ra người Mỹ đã giành được thắng lợi. Song, dù đề xuất chiến lược mới, chiến lược cũng như chiến thắng của ông bị những chính trị gia yếu đuối ở Washington từ bỏ, những người đã quay lưng lại với chính lực lượng vũ trang Mỹ và đồng minh của họ ở Việt Nam. Toàn bộ nỗ lực của Mỹ ở miền Nam Việt Nam không hề có khả năng đảo ngược chiều hướng đi xuống của cuộc tranh hao tiền tốn của với thế thắng ngày càng cao của lực lượng cách mạng Việt Nam, đối lập với sự rệu rã về thể lực và sa sút về tinh thần của quân lực Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khi vừa phải cầm súng trong vai những kẻ xâm lược phi nghĩa vừa day dứt với câu hỏi: “Vì sao phải tiếp tục đánh nhau và liều chết cho một cuộc chiến rõ ràng đang tàn cuộc nhưng vẫn chưa thắng lợi?”. Và cuối cùng, Mỹ đã phải thừa nhận “điều khả dĩ nhất mà lực lượng quân đội Mỹ đạt được, dù dưới thời Westmoreland hay Abrams, chỉ là một thế cờ quân sự tốn kém đã hết sạch nước đi”, chấp nhận thực tế thua cuộc, ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Việt Nam, bỏ mặc lực lượng đồng minh của chính quyền Sài Gòn đang trên đà bết bát để vớt vát lại hình ảnh “rút lui trong danh dự”.
Có thể khẳng định rằng, đề tài chiến tranh ở Việt Nam đã tốn không ít giấy mực của rất nhiều tác giả trong và ngoài nước, song cuốn sách này thực sự là một phân tích chuyên sâu và khách quan về chiến lược của đế quốc Mỹ trong những năm tháng cuối cùng hiện diện ở Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc!
Một số câu nói nổi bật trong cuốn sách này:
1. “Vì sao phải tiếp tục đánh nhau và liều chết cho một cuộc chiến rõ ràng đang tàn cuộc nhưng vẫn chưa thắng lợi?”.
2. “Chúng ta [người Mỹ] không nên mô tả vai trò của chúng ta trong cuộc chiến tranh này như một thảm họa nhục nhã. Ấy thế nhưng sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, đa số người Mỹ không sẵn sàng nhìn lại những điều họ đã làm ở Đông Nam Á với niềm tự hào”.
3. “Quá trình dẫn dắt cuộc chiến tranh ở Việt Nam là một sai lầm nhục nhã ở cấp quốc gia”.
4. “Những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam không phải với tư cách người chiến thắng, mà như những kẻ lạ mặt xuất hiện trong một cuộc chiến không phải của họ, dù để chiến thắng hay chiến bại”.
5. “Cuối cùng, điều khả dĩ nhất mà lực lượng quân đội Mỹ đạt được, dù dưới thời Westmoreland hay Abrams, chỉ là một thế cờ quân sự tốn kém đã hết sạch nước đi”.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023