Số phận thăng trầm của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
Một buổi chiều, tôi đến thăm nhà báo Trần Mai Hạnh. Ông đi từ trên gác xuống, bước chân hấp tấp, giọng nói hồ hởi: “Tôi vừa nói chuyện với ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Hội sẽ xây dựng đề án sản xuất bộ phim tài liệu nghệ thuật dài tập dựa trên cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75””.
Đó là những trang viết mà nhà báo - phóng viên chiến trường Trần Mai Hạnh đã đánh đổi thanh xuân, máu và nước mắt mới có được. Nay, những dòng tài liệu mật, những hồi ức chiến tranh sắp sửa có một cuộc đời mới, sống động và nhiều cảm xúc hơn. Tác phẩm vừa mang chất văn, vừa mang chất báo của ông sẽ có thêm chất điện ảnh, sẽ đến được với nhiều người hơn để sự thật lịch sử không bị hoen gỉ theo thời gian.
Trước thềm kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), nhà văn Trần Mai Hạnh lần đầu chia sẻ về hành trình gần 40 năm thu thập tư liệu từ nhiều phía để viết nên tác phẩm. Ông chậm rãi và thẳng thắn như chính cách mà ông kể chuyện trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75.”
Phút lóe sáng định mệnh
Nhà báo Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu trong Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã do Tổng Biên tập Đào Tùng dẫn đầu. Với nhiệm vụ thông tin về chiến dịch và làm việc với Thông tấn xã Giải phóng để chuẩn bị mọi điều kiện cho tin tức khi Sài Gòn được giải phóng, Đoàn công tác đã bám sát các binh đoàn chủ lực của ta tiến vào giải phóng các thị xã, thành phố, từ Huế đến Sài Gòn.
Sáng sớm 29/4/1975, tại rừng Tây Ninh, nhà báo Trần Mai Hạnh và phóng viên ảnh Văn Bảo được lệnh lên đường, bằng mọi cách bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập.
Theo bước đoàn quân oai hùng ấy, nhà báo Trần Mai Hạnh hoàn thành bài tường thuật trực tiếp tại Dinh Độc Lập trưa 30/4. Sáng hôm sau, bài báo của ông đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên bản tin “Đấu tranh thống nhất” của Việt Nam Thông tấn xã và Báo Nhân dân cũng đăng tải trong số đặc biệt chào mừng ngày đất nước thống nhất.
Đó cũng là lúc trong đầu ông lóe lên ý nghĩ rằng những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như cuộc đời mỗi người chỉ sống có một lần. Ông tự hỏi tại sao mình có cơ may tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, được chứng kiến những sự kiện lịch sử suốt dọc đường chiến dịch, may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 mà lại không tìm cách phục dựng lại sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh?
“Không ngờ phút lóe sáng định mệnh ấy lại gắn chặt với cuộc đời tôi suốt gần nửa thế kỷ sau đó. Ngay đêm ấy, tôi đã ghi vào nhật ký chiến tranh của mình ý định phục dựng sự thật lịch sử. Phải bắt đầu từ đâu? Cần những tài liệu gì? Làm sao để có được những tài liệu ấy? Tác phẩm này sẽ được dựng xây như thế nào? Những câu hỏi ấy làm tôi thao thức không sao chợp mắt,” ông kể lại.
Đi tìm những tài liệu mật
Chàng phóng viên 32 tuổi bèn trình bày với Tổng Biên tập Đào Tùng về ý định xây dựng cuốn sách. Nhà báo Đào Tùng hết sức hoan nghênh và khuyên Trần Mai Hạnh cần tiến hành ngay việc tìm kiếm, sưu tập các tài liệu nguyên bản từ phía bên kia (phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa và phía Hoa Kỳ), cả nguồn tài liệu trong nước và trên thế giới.
Lúc đó, ông Đào Tùng nói: “Chúng ta may mắn được chứng kiến những giờ phút lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm với lịch sử. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Muốn phục dựng trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa thì phải phục dựng bằng chính các tài liệu nguyên bản, các văn bản gốc và nhân chứng của các sự kiện lịch sử thuộc phía bên kia”.
Vậy là phóng viên Trần Mai Hạnh đã được Thủ trưởng của mình cổ vũ và vạch ra những nét phác họa đầu tiên trong bức tranh tổng thể về sự sụp đổ của cả một chế độ, cả một thể chế: Tầm vóc, quy mô của sự sụp đổ; không gian của sự sụp đổ; hệ lụy, số phận những con người thuộc phía bên kia trong giờ phút sụp đổ cuối cùng của chiến tranh như thế nào?
Những câu hỏi đó đều không dễ trả lời. Việc thu thập tài liệu tuyệt mật từ phía bên kia càng khó hơn lên trời.
Trước những băn khoăn đó của chàng phóng viên trẻ, nhà báo Đào Tùng căn dặn: “Đó là một việc dường như không thể. Nhưng nếu không dám dấn thân biến cái không thể thành cái có thể, thì mình rốt cuộc cũng chỉ là một người bình thường thôi. Mà đời chỉ mở cửa cho thằng liều. Tất nhiên đó là sự liều lĩnh có trí tuệ, có suy nghĩ…”
Nghe câu nói đó từ một người không chỉ là cấp trên mà còn là người thầy, nhà báo Trần Mai Hạnh như tìm thấy một con đường sáng trong hành trình của mình. Từ đó, ông lao vào việc truy tìm, tập hợp tài liệu với khát vọng cháy bỏng và tinh thần quả cảm.
May mắn là Trần Mai Hạnh được tháp tùng nhà báo Đào Tùng trong hàng loạt các hoạt động tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng, vừa làm việc với Ủy ban Quân quản vừa gặp gỡ các cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội, vừa tiếp xúc với các nhân sỹ trí thức, vừa gặp gỡ với phóng viên nước ngoài có mặt tại Sài Gòn lúc đó.
Với tư cách là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập nên phóng viên Mai Hạnh có Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định cấp. Ông được các cán bộ có thẩm quyền trong và ngoài quân đội tin tưởng cho phép tiếp xúc với các tài liệu tuyệt mật về chiến tranh của phía chính quyền Sài Gòn mà ta thu giữ được. Tất nhiên, những người cung cấp tư liệu cho ông vẫn được giữ bí mật danh tính cho đến ngày nay.
Tàn tro hỏa hoạn bùng cháy khát vọng ban đầu
Trung tuần tháng 6/1975, nhà báo Mai Hạnh rời Sài Gòn trở về Hà Nội, tiếp tục tập hợp nhiều tài liệu mật mà Ban Biên tập Tin miền Nam có trách nhiệm tập hợp, khai thác, lưu giữ, chủ yếu là của báo chí Sài Gòn và phương Tây viết về tình hình nội bộ cả về chính trị và quân sự của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Bất ngờ một tai nạn kinh hoàng xảy ra. Năm 1981, khu tập thể nơi gia đình ông ở bùng cháy. Hỏa hoạn thiêu rụi đồ đạc, trong đó có không ít tài liệu tuyệt mật về chiến tranh mà ông đã mất bao công sức thu thập.
“Vợ tôi phải đưa ba con nhỏ lên ở nhờ nhà ngoại. Tối đó, trên nền nhà cháy đen, tôi ngồi nhặt nhạnh từng mảnh tài liệu, bản thảo cháy dở mà ứa nước mắt. Bao tâm sức, công lao phút chốc tan thành tro,” ông cay đắng nhớ lại.
Hoạ vô đơn chí, đúng lúc ấy vợ chồng ông mất trộm cả hai chiếc xe đạp. Ông đành lòng bán chiếc máy chữ kỷ vật chiến trường của mình đi mà chỉ đủ tiền mua chiếc xe đạp Thống Nhất. Quả thực, lúc đó ông nản lòng nghĩ rằng ước mơ của mình cũng tan vào biển lửa theo số tài liệu đó rồi.
Biết chuyện, nhà báo Đào Tùng lại gọi ông lên ân cần động viên: “Lúc này mà buông bỏ thì tác phẩm sẽ chết hẳn. Phải xin lại, tập hợp lại những tài liệu đã bị cháy. Đầu mối sở hữu những tài liệu đó Mai Hạnh đã biết, đã từng gặp gỡ khai thác. Tôi sẽ gọi điện, có thư tay nhờ lãnh đạo các đơn vị đó tiếp tục giúp. Máy chữ cơ quan sẽ cho mượn.”
Nhà báo Đào Tùng lại một lần nữa làm bừng thức khát vọng phục dựng lại bức tranh lịch sử về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Phóng viên Mai Hạnh quyết tâm làm lại từ đầu.
Nhưng thử thách, tai hoạ chưa buông tha ông. Tháng 4/1992, phóng viên Mai Hạnh đèo ông Lê Đình Khuyến, Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh trên xe máy. Cả hai đang đi trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) thì một chiếc xe bus mất lái đâm thẳng vào họ khiến ông Khuyến thiệt mạng, ông Hạnh bị thương rất nặng.
Khi mê man bất tỉnh, ông được một bác xích lô chở vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Từ chiếc thẻ nhà báo trong túi, bác xích lô tìm đến Thông tấn xã Việt Nam để báo tin. Lúc đó, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng đã tức khắc tới bệnh viện. Ông Hạnh đã bị hỏng mắt trái, còn mắt phải bị ảnh hưởng với tiên lượng rất xấu. Ông Đỗ Phượng đã liên hệ để chuyển ông Hạnh sang Bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật lại mắt trái bị vỡ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mắt phải.
Nếu lúc đó ông Hạnh bị tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng, hoặc bị mất trí nhớ, hoặc không giữ được con mắt phải thì sẽ không có “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” hôm nay.
Nhớ lại những ngày tháng đó, nhà báo Hạnh trầm ngâm: “Thông tấn xã Việt Nam không chỉ là nơi tôi gắn bó phần lớn cuộc đời làm báo, cho tôi cơ hội chứng kiến những thời khắc lịch sử mà còn có những người thầy, người anh là ân nhân của tôi.”
Biên bản chiến tranh ra đời
Năm 2000, cuốn sách đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn chương cuối cùng chưa viết vì chưa sưu tầm đủ tư liệu. Đấy là chương thứ 19 có tiêu đề “Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa.”
Ông trăn trở vì cách diễn đạt “bên nguỵ bên ta” thời điểm đó là phiến diện, không khách quan với lịch sử.
Nhiều đêm thức giấc, ông nhớ lại lời dặn của nhà báo Đào Tùng, nhớ lại dọc đường chiến dịch, từ Huế đến Tây Nguyên, Sài Gòn, ông đã chứng kiến bao câu chuyện đau thương. Những xác chết chưa phân hủy hết. Hàng nghìn người vì luận điệu của chính quyền Sài Gòn “ở lại sẽ bị Việt cộng tắm máu” mà chạy theo binh lính Quân đoàn 2 (Việt Nam Cộng hòa).
“Cũng là đồng bào mình chứ ai? Tôi day dứt với thân phận con người trong chiến tranh. Tôi hiểu rằng dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử” ông nói.
Ông chợt bừng thức, dỡ cuốn sách ra viết lại hoàn toàn, dưới ánh sáng của tình hình mới, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, với cái nhìn khách quan, không thiên kiến mà đầy nhân văn trước số phận con người. Và cuốn sách đã mang một diện mạo hoàn toàn khác.
Cuối tháng 4/2014, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã thẩm định và xuất bản “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75.” Cuốn tiểu thuyết lịch sử đã trở thành hiện tượng với nhiều lần tái bản, giành nhiều giải thưởng, được dịch ra nhiều thứ tiếng và sắp tới có thể được chuyển thể thành bộ phim tài liệu nghệ thuật dài tập.
“Những người đã khích lệ tôi như nhà báo Đào Tùng, nhà báo Đỗ Phượng đã không còn, những người cung cấp tài liệu mật cho tôi ngày đó cũng người còn người mất… Nhưng lịch sử thì không ngủ yên, mà sẽ luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang lên cơn sốt, trĩu nặng âu lo vì những tham vọng chiến tranh và xung đột,” nhà báo Mai Hạnh nói.
Theo TTXVN
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Lan tỏa nội dung và phát huy giá trị Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
- Nhiều hoạt động giới thiệu, trưng bày sách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
- Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
- Báo chí và bài học từ 12 chữ “phê bình” của Bác
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền bổ nhiệm Phó Giám đốc
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tuyển lao động hợp đồng
- Xuất bản sách lý luận, chính trị trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
- Phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và định hướng phát triển
- Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước
- Đồng chí Phạm Minh Chính được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước