Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng dân tộc vĩ đại, người Việt Nam đầu tiên đã tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản.
Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước - giai đoạn cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thời kỳ mà nhiều cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc đều lần lượt thất bại. Chính lúc đó, bằng sự mẫn cảm chính trị và qua tìm hiểu thực tiễn cách mạng thế giới, Người đã tới nước Pháp, sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước mới.
Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam mới, Quân đội nhân dân Việt Nam, là người thiết lập nên khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù.
Người là Nhà văn hóa kiệt xuất, có tầm ảnh hưởng không những trong nước mà còn trên phạm vi thế giới. Người là nhà văn, nhà thơ lớn, nhà báo vĩ đại, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Yếu tố văn hóa trong con người Hồ Chí Minh đã làm cho Người có một sức thu hút mạnh mẽ, một khả năng cảm hóa đặc biệt đối với mọi người, dù cho từ đâu tới và thuộc hệ tư tưởng nào.
Với nhận thức sâu sắc và với tấm lòng của một người con đã hơn 30 năm được làm việc, tiếp xúc với khối di sản đồ sộ của Bác Hồ, Tiến sĩ Chu Đức Tính - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách Sức cảm hóa Hồ Chí Minh. Đây là tập hợp các bài viết tâm huyết nhất của tác giả về Bác Hồ đã được đăng tải trên các sách, báo, tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng và các hội thảo khoa học. Cuốn sách được chia làm hai phần:
Phần I: Nghiên cứu về Hồ Chí Minh gồm các bài viết của tác giả về Bác từ ngày đầu tiên Người ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 cho đến những năm cuối đời khi Người viết bản Di chúc bất hủ để lại cho hậu thế.
Phần II: Nghiên cứu về di sản văn hóa Hồ Chí Minh là những nhận định, những trăn trở của tác giả đối với công việc thầm lặng và hết sức thiêng liêng của những người làm công tác bảo tồn bảo tàng.