Tập hợp lực lượng trong thế kỷ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam

Ngày đăng: 08/09/2020 - 14:09

Bước sang thế kỷ XXI, nhất là từ nửa sau thập niên thứ hai đến nay, trên thế giới diễn ra nhiều thay đổi, biến động phức tạp. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược và sự gia tăng tập hợp lực lượng theo những xu hướng khác nhau khiến cho xu thế cạnh tranh và hợp tác giữa các nước lớn ngày càng mạnh hơn. Xu hướng tập hợp lực lượng mới với sự vận động và những điều chỉnh tương quan lực lượng giữa các chủ thể quốc tế lớn tại khu vực đang tác động mạnh đến quá trình hội nhập của Việt Nam.

Cuốn sách Tập hợp lực lượng trong thế kỷ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam do TS. Lê Hải Bình làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, cung cấp cho bạn đọc bức tranh khách quan, sinh động và tương đối toàn diện về xu hướng hình thành và tác động của các tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với kết cấu 3 chương, cuốn sách tiếp cận vấn đề từ góc độ lý luận đến thực tiễn, bằng việc hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về các đặc điểm của hình thái tập hợp lực lượng, sau đó soi rọi vào thực trạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, cuốn sách phân tích các xu hướng tập hợp lực lượng ở khu vực trong tương lai, đặc biệt tập trung vào các xu hướng mới đáng chú ý, chủ yếu xoay quanh điều chỉnh quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ, chỉ ra những tác động, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ của xu hướng tập hợp lực lượng mới đối với Việt Nam, từ đó đưa ra kiến nghị về đối sách của Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả với vấn đề mới đặt ra.

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của tập hợp lực lượng trên thế giới và  khu vực, các tác giả tập trung khái quát các cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hình thành các chính sách và xu thế tập hợp lực lượng trên thế giới cũng như trong khu vực, làm sáng tỏ khái niệm “tập hợp lực lượng”, cơ sở hình thành tập hợp lực lượng và phân loại hình thức liên kết, tập hợp lực lượng trên thế giới và khu vực.

Chương 2: Xu hướng tập hợp lực lượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các tác giả đi sâu phân tích, đánh giá các dữ kiện để làm sáng tỏ các xu thế tập hợp lực lượng đang diễn ra hiện nay trong khu vực, đặc biệt tập trung vào các xu hướng mới đáng chú ý, chủ yếu xoay quanh điều chỉnh quan hệ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ. Cuốn sách chỉ ra rằng, hiện nay ở châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra ba xu hướng chính: 1) Thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc để tranh thủ lợi ích kinh tế; 2) Vừa cố gắng thúc đẩy quan hệ với Mỹ, vừa thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để duy trì sự cân bằng; 3) Tập hợp lực lượng mới gồm các nước vừa và nhỏ trong khu vực để đề phòng Mỹ rút khỏi khu vực, để lại “khoảng trống quyền lực” tại nơi này. Các xu hướng này đan xen lẫn nhau và được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, cả trên bình diện song phương và đa phương. Nhìn chung, cạnh tranh nước lớn rất phức tạp, nên diễn biến ở khu vực đang định hình vốn đã chồng chéo nay càng phức tạp hơn.

Chương 3: Tác động của các xu thế tập hợp lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương trong 5-10 năm tới và đối sách của Việt Nam. Ở chương này, các tác giả phân tích, đánh giá các tác động của các liên kết tập hợp lực lượng đối với tình hình khu vực  và chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Các tác động bao gồm cả ở mặt tích cực và tiêu cực, thể hiện trên các khía cạnh: đối với cục diện khu vực; đối với cấu trúc liên kết khu vực; đối với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt đối với Việt Nam, xu hướng tập hợp tập hợp lực lượng mới với sự vận động và những điều chỉnh tương quan lực lượng giữa các chủ thể quốc tế lớn tại khu vực sẽ tác động mạnh đến quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam theo cả hai chiều thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi: nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của Việt Nam trong các cơ chế đa phương và trong chính sách đối ngoại của các nước lớn; mở rộng “không gian đối ngoại” và đa dạng hóa sự lựa chọn chính sách cho Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế;… Bên cạnh mặt thuận lợi, xu hướng tập hợp lực lượng cũng tạo ra cho Việt Nam không ít thách thức như: “sức ép chọn bên”; nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh, quốc phòng; thách thức trong đối ngoại đa phương;…

Trên cơ sở các phân tích về xu thế tập hợp lực lượng và tác động thuận, nghịch đối với Việt nam, cuốn sách đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, cụ thể là phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việc đánh giá đúng tình hình, cục diện thế giới và khu vực còn góp phần giúp Việt Nam cập nhật thông tin, làm phong phú hơn về lý luận và thực tiễn, đề ra chủ trương, hoạch định chính sách và có những giải pháp hiệu quả đối với những vấn đề đang nổi lên hiện nay, đồng thời thúc đẩy thực chất, hiệu quả quan hệ đối tác chiến lược.

Với góc nhìn sâu sắc và toàn diện về tác động của các xu thế tập hợp lực lượng trước bối cảnh trong nước và khu vực có nhiều đoán định, khó lường những năm đầu thế kỷ XXI cùng sự phân tích mang tính logic của nhóm tác giả về đối sách của Việt Nam trong thời gian tới, hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu của độc giả, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách về công tác đối ngoại.

Bình luận