Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng thiên tài của nhân dân Việt Nam, một trong những thống soái lớn nhất của tất cả mọi thời đại, chiến lược gia bậc thầy, không chỉ là tượng đài trong trái tim mỗi người Việt Nam, mà còn được nhân dân thế giới kính trọng, tôn vinh là "Danh tướng của thế giới". Trong hơn 30 năm cầm quân, ông đã chỉ huy quân và dân Việt Nam lập nên những chiến công hiển hách, đánh bại những đội quân lớn mạnh nhất thế giới, trong đó trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ mang một dấu ấn đặc biệt.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Thế giới thương tiếc và ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách được chia thành 2 phần. Phần I: Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng nhân dân thế giới, gồm điện chia buồn, bài viết, hồi ký của nhân dân và bạn bè quốc tế trước sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Phần II: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua một số cuốn sách nước ngoài xuất bản tại Việt Nam, trích nội dung một số cuốn sách của các tác giả nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh 2 nội dung chính nêu trên là tiểu sử tóm tắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương về việc Đại tướng từ trần; Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Qua những dòng chia buồn cũng như những trang viết của bạn bè năm châu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bạn đọc có thể cảm nhận sâu sắc tình cảm và sự đau buồn, tiếc thương của nhân dân thế giới trước sự kiện Đại tướng từ trần. Mở đầu phần thứ nhất của cuốn sách là những lời chia buồn chân thành và sâu sắc từ lãnh đạo và nhân dân các nước châu Á. Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma viết: "Ở Ấn Độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất gần gũi, thân thiết và được nhân dân chúng tôi vô cùng kính phục, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh... Những bạn bè quốc tế của Việt Nam sẽ nhớ mãi năm tháng sinh thời của Đại tướng". Trong một chia sẻ khác, một cựu tướng lĩnh Quân đội nhân dân Lào bày tỏ mong muốn: "Thế hệ trẻ Lào hôm nay, trong đó có cán bộ, chiến sĩ trẻ của Quân đội nhân dân Lào, hãy học tập tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp áp dụng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Lào. Đó là tấm gương của một vị tướng tài ba giàu lòng nhân ái, một nhà quân sự lỗi lạc". Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Đại sứ Palextin tại Việt Nam Saadi Salama, một người ngưỡng mộ Đại tướng và đã có may mắn được gặp ông, cảm thấy hụt hẫng như vừa mất đi một người ruột thịt trong gia đình. Saadi Salama cho biết, "Đối với nhân dân Palextin, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình ảnh quen thuộc, là một tấm gương luôn được nhắc đến trong bất kỳ câu chuyện nào về đấu tranh vì độc lập dân tộc, về chủ nghĩa anh hùng, về các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới".
Từ các châu lục khác: châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, những hồi tưởng về những kỷ niệm, những ấn tượng khó quên về tướng Giáp, những câu chuyện về con người huyền thoại này vẫn đang tiếp tục được lan truyền, trong số đó có nhiều người đã trực tiếp đến viếng và thắp hương tưởng nhớ, vĩnh biệt Đại tướng trong niềm tiếc thương vô hạn.
Với những nội dung trích ra từ những cuốn sách được tập hợp trong phần thứ hai, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua cách cảm nhận, đánh giá của các tác giả nước ngoài được dựng lên một cách sinh động, với những chiều cạnh hết sức phong phú. Với Giáo sư sử học Pháp Georges Boudarel, ấn tượng về "tướng chính trị" khi đối mặt với Hoa Kỳ được ông mô tả như sau: "Ông người mập, tròn, tươi cười, nhã nhặn, tự tin… Ông dằn giọng tỏ vẻ giận dữ khi nói lên nhận định của mình về kẻ thù. Ông nói thạo tiếng Pháp và mỗi một từ ông thốt ra như một viên đạn”. Có người đặt câu hỏi: Làm thế nào một thầy giáo dạy sử học thấp bé, một cựu nhà báo lại trở nên một vị tướng có nhiều chiến công hiển hách có thể sánh ngang với những tướng lĩnh giỏi nhất trong lịch sử nhân loại? Và rồi chính họ đã tự lý giải điều này qua những nhận định: “Không một người phương Tây nào có thể biết một cách chính xác đâu là tầm cỡ hành trang quân sự của ông… Nói về kinh nghiệm thì Võ Nguyên Giáp có một kho tàng tầm cỡ” - Cecil B. Currey, Giáo sư sử học Mỹ; “người Pháp gọi Võ Nguyên Giáp với biệt hiệu là Núi lửa vùi trong tuyết, một trái núi cao phủ tuyết nhưng có thể phun nham thạch bất cứ lúc nào”; “Một bộ óc vĩ đại trên một thân hình bé nhỏ” - Salan; “Một con người có học vấn xuất sắc, một con người mê hoặc trọn vẹn” - Sainteny. Cần lưu ý rằng, cả Salan và Sainteny đều là những tướng lĩnh ở phía bên kia chiến tuyến.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 4 tháng 10 năm 2013 là một tổn thất lớn lao của nhân dân Việt Nam, và cuốn sách này, được xuất bản vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - một mốc quan trọng trong đời cầm quân của Đại tướng - có thể coi như một bản nhạc với vô vàn những lời ngợi ca của bạn bè thế giới đối với Đại tướng - một con người đã trở thành huyền thoại.