Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022
Ngày 23/3/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022.
Toàn cảnh Hội nghị
Dự Hội nghị có các đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam. Cùng dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham dự Hội nghị.
Tính đến hết năm 2021, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và 42 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo thống kê, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu năm 2021 đạt số lượng hơn 32,9 nghìn với hơn 400,6 triệu bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29,2 nghìn cuốn (giảm 9%) với 350 triệu bản (giảm 3,6%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 2,3 nghìn (tăng 12,2%) với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần); xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 1,3 nghìn (giảm 31,6%) với 25,6 triệu bản (giảm 34%). Tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2.996,6 tỷ đồng (tăng 12,4 %); nộp ngân sách hơn 260,7 tỷ đồng (tăng 71,7%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,2 tỷ đồng (tăng 80,7%).
Theo Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản bị gián đoạn do thời gian giãn cách xã hội; sức mua giảm; các chi phí nguyên, vật liệu tăng; thiếu kinh phí hoạt động… Tuy vậy, kết quả tổng doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản đều tăng so với năm 2020. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các nhà xuất bản trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả, thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách. Tổng số lao động của các nhà xuất bản vẫn cơ bản được giữ vững, không bị xáo trộn và ảnh hưởng đến tinh thần chung của các cán bộ, biên tập viên nhà xuất bản, góp phần làm cho hoạt động của các nhà xuất bản được ổn định trong bối cảnh hết sức khó khăn như hiện nay.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, nêu ý kiến nhằm nêu lên những khó khan, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong hoạt động xuất bản thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những nỗ lực và kết quả toàn ngành xuất bản, phát hành đã đạt được trong năm 2021. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí đề nghị, những người làm công tác xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời phải giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngành xuất bản phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, xóa “vùng trắng” về văn hóa đọc.
Để thích ứng linh hoạt sau đại dịch Covid-19, cần tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch, bảo đảm hài hòa chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị theo tinh thần Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản trong thời gian tới, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, cần tập trung làm cách nào để có được thị trường và mở rộng thị trường, để nâng cao văn hóa đọc, đổi mới tư duy bán hàng, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cùng với đó là việc nâng cao nguồn nhân lực, công tác đào tạo quản lý…
Dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao Cờ thi đua cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành năm 2021; Bằng khen cho 13 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xuất bản, phát hành năm 2021.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là một trong 11 đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành năm 2021, được nhận Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trao Cờ thi đua cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành năm 2021
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tọa đàm “Đại thắng Mùa xuân 1975 - Sức mạnh của ý chí và niềm tin chiến thắng”
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia triển lãm sách tại Đài Tiếng nói Việt Nam
- Sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến với bạn đọc qua các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư
- Hội thảo khoa học “50 năm nền văn học Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”
- Thắp sáng tri thức - Lan tỏa văn hóa đọc vì một xã hội học tập suốt đời
- Trao tặng cuốn hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” tới tác giả - nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
- Công an nhân dân phát triển văn hóa đọc và đẩy mạnh học tập suốt đời trong kỷ nguyên số
- Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội thảo khoa học quốc gia “Thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong giai đoạn mới”
- Tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan xuất bản lý luận, chính trị của Đảng và Nhà nước
- Ra mắt sách “Hà Giang - Miền đá nở hoa” trong một không gian đậm chất văn hóa Hà Giang
- Trao tặng sách cho cán bộ, chiến sĩ Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam