Tự do cá nhân là một nội dung cơ bản của quyền con người. Ở nước ta, tự do cá nhân đã trở thành một quyền hiến định, được Nhà nước ghi nhận về mặt pháp lý và bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Cuốn sách “Về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự” của Tiến sĩ luật học Trần Quang Tiệp lần đầu tiên được xuất bản năm 2005 trên cơ sở phân tích các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, đặc biệt là theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong lần tái bản này, cuốn sách đã sửa chữa, bổ sung một số nội dung theo các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến vấn đề trên.
Thông qua cuốn sách, tác giả làm rõ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự liên quan đến sự tự do cá nhân của con người phải được thực hiện một cách khách quan, chính xác, bảo đảm đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó không những bảo đảm các quyền tự do cá nhân của con người, mà còn thể hiện tính nhân đạo, nhân bản và nhân văn sâu sắc của chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Cuốn sách được chia thành 5 chương:
- Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự
- Chương 2: Các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự Việt Nam
- Chương 3: Các biện pháp cưỡng chế nhằm thu thập chứng cứ
- Chương 4: Các biện pháp cưỡng chế nhằm bảo đảm cho việc tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án
- Chương 5: Bảo đảm tự do cá nhân, chống oan, sai trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự