Ở một số địa phương hiện nay, có tình trạng lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức tràn lan, gây lãng phí về thời gian và kinh phí, mất trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí, một số lễ hội bị thương mại hóa. Việc lợi dụng các hoạt động văn hóa truyền thống nhằm trục lợi và đáp ứng lợi ích cục bộ ở các địa phương ngày càng phổ biến. Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm và phát huy tính hiệu quả vai trò của pháp luật trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cần phải có lộ trình và bước đi thích hợp để phát huy vai trò của pháp luật trong việc điều tiết các quan hệ xã hội, bảo đảm cho các hoạt động văn hóa ngày càng lành mạnh, phát huy tối đa các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, dân chủ và hiện đại.
Trên bình diện quốc tế, việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đòi hỏi pháp luật về văn hóa phải tiên tiến, hiện đại, bảo đảm sự tương thích với hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới, phù hợp với luật pháp quốc tế và nội dung của các điều ước quốc tế có liên quan. Ngoài ra, pháp luật cũng phải bảo đảm giữ vững các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống đã làm nên cốt cách, bản sắc, tâm hồn người Việt trong suốt chiều dài lịch sử mà trong quá trình phát triển cần phải giữ vững. Trong điều kiện đó hệ thống pháp luật phải có vai trò chuyển tải nội dung, bảo đảm củng cố, thực hiện các cam kết quốc tế về văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Từ thực trạng và yêu cầu trên đây, nhiệm vụ nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn vai trò của pháp luật về văn hóa nói chung và vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng có tính cấp thiết. Cuốn sách Vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay do TS. Hồ Thanh Hớn biên soạn sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề lý luận về vai trò của pháp luật nói chung, vai trò của pháp luật về giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói riêng.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương, làm rõ một số vấn đề lý luận về vai trò của pháp luật; phân tích, đánh giá thực trạng vai trò của pháp luật; nêu quan điểm và đề ra các giải pháp nhằm bảo đảm vai trò của pháp luật trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Việt Nam hiện nay, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.