Văn bản của chính quyền địa phương cấp xã được ban hành bởi cơ quan chính quyền ở cấp xã nhằm quản lý và điều hành các hoạt động trên địa bàn xã. Mỗi loại văn bản đều có hình thức và nội dung cụ thể, tuân thủ theo quy định của pháp luật, thực hiện nhiều chức năng quan trọng, từ việc quy định pháp lý, quản lý và điều hành, thông tin, kế hoạch hóa, hỗ trợ dịch vụ công, đến bảo vệ quyền lợi của người dân. Văn bản của chính quyền địa phương cấp xã đóng vai trò then chốt trong hệ thống quản lý nhà nước tại cơ sở, được xem như công cụ hành chính quan trọng, giúp thực thi và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương; đồng thời, đảm bảo sự điều hành liên tục và hiệu quả của bộ máy chính quyền cấp xã.
Hiện nay, việc ban hành các văn bản của chính quyền địa phương được thực hiện tương đối hiệu quả, số lượng văn bản được ban hành tương đối lớn, nội dung trải đều các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật. Tuy nhiên, do các luật và nghị định hướng dẫn có nhiều điểm mới, sự phát triển của khoa học - công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nên công tác này đòi hỏi phải đúng yêu cầu, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm hiệu quả.
Cuốn sách Văn bản của chính quyền địa phương cấp xã: Lý thuyết và tình huống thực tiễn phân tích những lý thuyết cơ bản về văn bản của chính quyền địa phương như: chức năng, vai trò, hệ thống văn bản, hiệu lực văn bản... đồng thời hướng dẫn các kỹ năng chuyên sâu và giải đáp một số tình huống trong quá trình soạn thảo, ban hành các văn bản tại Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, góp phần giúp bạn đọc tìm hiểu toàn diện về văn bản chính quyền địa phương, là tài liệu bổ ích cho cán bộ, công chức địa phương hiện nay.