Vì sao lượng sách văn học xuất bản thấp?
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, 6 tháng đầu năm 2011, tổng số sách toàn ngành đã xuất bản và nộp lưu chiểu là 9.567 cuốn với 159,769 triệu bản, đạt 101,2% về cuốn; 113,2% về bản so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó, mảng sách văn học xuất bản được 678 cuốn với 1,301 triệu bản đạt 7,086% về cuốn (so với cùng kỳ năm 2010, sách văn học giảm cả về số lượng cuốn và bản).
Mảng sách văn học đang có "xu hướng" giảm mạnh
Phải thừa nhận rằng, trong một vài năm gần đây, làng văn Việt ít có sự kiện nổi bật, không có những cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn, rất ít tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Sau những thành công và cả những tranh cãi trong các năm trước với sự xuất hiện một số tác phẩm của các tác giả trẻ như Bóng Đè (Đỗ Hoàng Diệu), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư),….thì mảng sách Văn học Việt những năm qua gần như không thấy tác phẩm nào có thể được coi là "hiện tượng" thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Ngay cả những cuốn được cho là đứng đầu bảng về sách bán chạy trong khoảng 2 năm gần đây như: "Hồng Gai", "Dị Bản" của Keng, "Cho em gần anh thêm chút nữa" (Gào), Khi lấy chàng?
Thời gian gần đây, nhiều sáng tác của các tác giả trẻ đã thể hiện một không khí sáng tác mới, sôi nổi và bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của một lớp thanh niên trong xã hội hiện đại (tuy chất lượng nội dung chưa cao). Đây chính là nguồn bản thảo khá dồi dào cho một số NXB. Đối với những ấn phẩm tuyển chọn từ các blog đã được các NXB biên tập có chất lượng hơn trước. Những ấn phẩm này thường được trình bày theo phong cách trẻ, khá mới mẻ như cuốn: "Quán trà Xýt blogs", "Những ngôi sao hình quang gánh", "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông"; "Thân xác"; "Thơ văn trẻ TP. Hồ Chí Minh"; "Những đám mây bốc cháy"; "Năm mùa yêu"...
Nhưng từ đầu năm đến nay, trong cơn bão giá nói chung, giá giấy cũng tăng chóng mặt, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đã khiến các nhà xuất bản (NXB) lao đao. Các NXB buộc phải tính toán, lựa chọn, cân nhắc mọi chi phí từ đầu vào cho đến đầu ra. Trên thực tế, đa số các NXB đều lựa chọn tái bản những cuốn sách kinh điển và xuất bản những tác phẩm của một số tác giả trẻ đang gây sự chú ý của bạn đọc nhằm hạn chế một cách thấp nhất chi phí đầu vào. Trong đó, đa phần các nhà văn đã khẳng định "thương hiệu" được lựa chọn nơi xuất bản tác phẩm, thì chủ yếu chọn các NXB: Thanh niên, Hội Nhà văn, Văn học, Trẻ, Văn hóa - Văn nghệ, Văn hóa Sài gòn…
Trong số sách văn học - nghệ thuật đã được xuất bản 6 tháng đầu năm, riêng mảng thơ chiếm đa số (hơn 50%), còn lại là các thể loại truyện ngắn, hồi ký…Sách tiểu luận, phê bình văn học - nghệ thuật gần như không có cuốn nào. Đối với thơ, hầu hết (chiếm hơn 90%) là các tác giả tự bỏ tiền túi ra in (thường mỗi tập thơ in từ 300 - 500 cuốn), rất thiếu những tập thơ có giá trị để NXB tự tìm đến tác giả mua bản quyền xuất bản.
Đối với sách văn học nước ngoài, tiểu thuyết vẫn là thể loại được các NXB chú trọng xuất bản chiếm hơn 70%, các tập truyện ngắn chiếm khoảng 25%. Đáng chú ý là kho tàng sách văn học cổ điển, kinh điển đã được các NXB khai thác và tái bản nhiều lần trong nhiều năm qua nên đến nay gần như đã phục vụ đầy đủ nhu cầu của xã hội. Sách tái bản là nguồn bản thảo dễ dàng của NXB đã giảm hơn trước nhiều (chiếm khoảng 45%), điều đó làm cho lượng sách văn học xúat bản giảm đi đáng kể. Một lý do khác cũng góp vào việc làm giảm này, là do ý thức thực hiện các quy định về bản quyền đã được nâng lên một bước. Một số NXB đã và đang chủ động hội nhập với thế giới nhằm tìm kiếm các đối tác liên kết xuất bản, giao dịch mua bản quyền từ nước ngoài nên số lượng sách mới được xuất bản tập trung chủ yếu tại các NXB chuyên ngành như: Văn học, Hội Nhà văn, Văn hóa - Thông tin, Trẻ, Văn nghệ…
Nhưng có lẽ điều đáng chú ý trong việc xuất bản sách văn học - nghệ thuật có xu hướng giảm so với cùng kỳ các năm trước là do hoạt động sáng tác văn học - nghệ thuật ở Việt Nam có "rất ít" những tác phẩm đỉnh cao, gây sự chú ý của bạn đọc trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngành xuất bản nói chung và Hội Nhà văn nói riêng chưa xây dựng cho mình một "chiến lược quảng bá" văn học - nghệ thuật ra thế giới nên từ nhiều năm nay, ngành xuất bản nước nhà luôn trong tình trạng "nhập siêu" sách văn học từ nước ngoài (Chúng ta nhập 5 cuốn sách nhưng chỉ xuất được… chưa đến 1 cuốn ra thế giới). Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều tác phẩm mắc lỗi do khâu biên tập dễ dãi hoặc thiếu khách quan ở một số NXB nên ngoài những lỗi về hình thức, nhiều cuốn nội dung còn phiến diện, thậm chí còn nhiều lời lẽ thô tục, phản cảm, có những chi tiết không xác thực đã gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân
Một số nhà văn cho biết: Nguyên nhân chính của việc mảng sách văn học giảm sút so với cùng kỳ năm trước là do tác động của lạm phát trong nước tăng cao; giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ; giá nguyên liệu giấy và vật tư ngành in liên tục tăng cao… là khó khăn lớn tác động trực tiếp đến tất cả các NXB. Cũng do bão giá, độc giả và các bạn học sinh - sinh viên phải chắt bóp từng đồng trong việc chi tiêu hàng ngày, chỉ mua những cuốn sách thật sự cần thiết hoặc phục vụ trực tiếp cho việc học tập của bản thân nên sức mua giảm hẳn. Mặt khác, NXB thiếu vốn trầm trọng, thụ động trước sự biến động kinh tế chung của xã hội, việc trả nhuận bút cho tác giả quá thấp (thường quy đổi bằng sách) nên không thu hút được những tác giả có tên tuổi. Một lý do khác nữa, NXB vẫn chưa chú trọng đúng mức trong việc tìm kiếm và nuôi dưỡng, đặt hàng những tác giả trẻ có triển vọng để tạo điều kiện cho họ phát triển tài năng nên không có những tác phẩm có giá trị.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Cừ - Giám đốc NXB Văn học cho rằng: Sở dĩ sách văn học 6 tháng đầu năm 2011 có sự giảm sút so với cùng kỳ năm trước là do chịu sự tác động lớn từ giá giấy và lạm phát tăng cao… Song, nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm ấy là do chúng ta không có tác phẩm thật sự hay và mới. Mặt khác, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, (nhất là mạng Internet); sự đa dạng hóa của các loại hình nghe nhìn và nhất là làn sóng văn học mạng đang thu hút đông đảo bạn đọc trẻ. Xu thế hiện nay cho thấy, không ít các nhà văn trẻ, cây viết trẻ đã công bố các tác phẩm của mình trực tiếp thông qua mạng internet (hay còn gọi là văn học mạng), cũng là một nguyên nhân làm xu hướng đọc sách trong giới trẻ lại càng giảm đi.
Theo pháp luật và Xã hội
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023