Xu hướng mua bản quyền của các nhà xuất bản, công ty sách
Frankfurt Book Fair 2021 - sự kiện lớn của giới xuất bản - chuẩn bị khai mạc vào ngày 20/10, kéo dài tới ngày 24/10 với loạt sự kiện trực tiếp và trực tuyến. Đây là ngày hội của giới xuất bản toàn cầu, nơi giới thiệu những ấn phẩm đặc sắc hiện hành, công nghệ xuất bản tiên tiến, những cuộc bàn thảo sâu về công nghiệp xuất bản, nơi giao lưu của những tác giả nổi tiếng...
Do dịch bệnh, năm nay, nhiều nhà xuất bản, công ty sách Việt Nam vắng mặt tại sự kiện trực tiếp của Frankfurt Book Fair. Tuy vậy, họ vẫn giữ kết nối với giới xuất bản quốc tế, như chủ đề của hội sách năm nay đưa ra: “Re:connect”.
Mua bản quyền, thắt chặt mối quan hệ với đối tác tại hội sách
Tham gia các hội sách quốc tế là cách để đơn vị ngành sách giao lưu, tìm kiếm đối tác, tìm đề tài, sách mới, sách “hot” cũng như thắt chặt mối quan hệ đã có từ trước.
Tùy nhu cầu của từng đơn vị và tính chất của từng hội sách, mỗi nhà xuất bản, công ty sách tham dự các hội sách khác nhau. Thông thường, hàng năm, Nhà xuất bản Trẻ tham dự khoảng hai đến ba hội sách quốc tế: Hội sách thiếu nhi Bologna (Italy, cuối tháng 3), Hội sách London hay New York (cuối tháng 4, đầu tháng 5), và Hội sách Frankfurt (Đức, tháng 10)...
Trong điều kiện cho phép, Nhà xuất bản Thế giới đều cố gắng tham dự những hội chợ sách quốc tế lớn như: Frankfurt Book Fair, Hội chợ sách quốc tế Bangkok, Bắc Kinh, La Habana…
Công ty sách Nhã Nam tham gia các hội sách như: Frankfurt, Đài Bắc, Seoul, London, Bologna… Huy Hoàng Books thường tham gia các hội sách: Frankfurt, Gothenburg (Thụy Điển), New York, hội chợ sách cũ quý hiếm ở Amsterdam, Madrid…
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ cho biết: “Muốn tìm liên lạc của một nhà xuất bản ở một nước nào đó, cứ đến các hội sách quốc tế. Muốn biết sắp tới trên thế giới có sách gì “hot”, xu hướng đọc gì, cứ đến hội sách quốc tế. Hội sách quốc tế chính là nơi giao dịch bản quyền, thương thảo hợp đồng xuất - nhập khẩu sách. Bởi vậy, các hội sách quốc tế chủ yếu dành cho những người làm nghề xuất bản, in, phát hành”.
Tại hội sách, các nhà xuất bản (với đủ quy mô, từ mọi châu lục trên thế giới) tranh thủ giới thiệu những tác phẩm hay, nổi bật sắp xuất bản của họ trong tương lai.
“Thông qua những hội sách đó, Nhà xuất bản Trẻ đã tìm kiếm được những đầu sách bán chạy. Nếu những giao dịch đã trao đổi từ trước qua email, tại hội sách, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng”, ông Nguyễn Thành Nam thông tin.
Hình ảnh quảng bá cho chương trình trực tuyến của Hội sách Frankfurt. Ảnh: buchmesse.
Giao dịch bản quyền qua email, nền tảng trực tuyến
Năm nay, vì điều kiện dịch bệnh hạn chế đi lại, giới xuất bản trong nước hạn chế tham gia hội sách trực tiếp. Tuy vậy, các đơn vị xuất bản vẫn tìm được cách để giao dịch.
Ông Phạm Trần Long, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thế giới cho biết: “Tình hình mua bán bản quyền không có nhiều trở ngại lắm, dù không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp đối tác nước ngoài. Giao dịch bản quyền không hề bị gián đoạn, các đàm phán vẫn diễn ra bình thường qua kênh trực tuyến”.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc bản quyền Nhã Nam thông tin, năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, các hội sách lớn đều hủy chương trình trực tiếp và thiết kế chương trình trực tuyến. Trong năm 2020, ông Minh có khoảng 200 cuộc hẹn với các đối tác qua các nền tảng trực tuyến. Tháng diễn ra hội sách Frankfurt là cao điểm, ông Minh có gần 40 cuộc hẹn trực tuyến với đối tác.
Bà Nguyễn Lê My Hoàn, Giám đốc xuất bản Huy Hoàng Books cho biết, hai năm nay không thể tham gia các hội sách, tất cả giao dịch bản quyền của công ty đều làm qua email, hẹn gặp trực tuyến trên mạng. Ban tổ chức các hội sách vẫn gửi email thông báo khi có hội nghị trực tuyến, ai quan tâm có thể đăng ký để tham gia.
Các nhà xuất bản, đối tác bản quyền ở những vùng địa lý khác nhau nên lệch múi giờ, bởi vậy việc liên hệ qua thư điện tử là hình thức phù hợp nhất. Các đơn vị thường có thông tin giới thiệu xuất bản phẩm cho hội sách lớn, hoặc dịp xuất bản như mùa thu, mùa xuân… Đơn vị trong nước quan tâm cuốn nào sẽ được gửi bản pdf giới thiệu nội dung để xem xét thương thảo bản quyền. Do vậy, các đơn vị “ngồi nhà vẫn mua được bản quyền” như lời bà Nguyễn Lê My Hoàn.
“Trong hai năm qua, hầu như hội sách quốc tế lớn đều không tổ chức trực tiếp nhưng việc giao dịch mua bán bản quyền không bị ảnh hưởng. Bản chất của các giao dịch từ trước tới giờ chủ yếu vẫn thông qua thư điện tử. Chỉ tiếc là những đồng nghiệp trên phạm vi toàn thế giới không có cơ hội gặp mặt nhau trực tiếp”, ông Nguyễn Thành Nam nhận định.
Bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt (thứ ba từ trái qua), chụp hình tại gian hàng của Việt Nam ở Hội sách Frankfurt 2016. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng.
Mua bản quyền chọn lọc, tập trung vào tác phẩm chất lượng
Không gặp nhiều trở ngại về mua bản quyền, các nhà xuất bản, công ty sách vẫn hạn chế “rút hầu bao”. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất bản, phát hành. Điều đó buộc các đơn vị làm sách phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp tình hình theo hướng tinh gọn hơn. Do vậy, mua bản quyền chắt lọc hơn trước là tình trạng chung của các đơn vị làm xuất bản ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, Nhà xuất bản Trẻ tập trung vào làm những tác phẩm đã mua bản quyền trước đó. Công ty sách Nhã Nam cũng thu hẹp việc mua bản quyền, tập trung sản xuất những cuốn năm ngoái đã mua mà chưa kịp làm.
“Năm nay, mua bản quyền sẽ cân nhắc rất kỹ, việc mua bán thường trao đổi qua thư điện tử. Nếu mua mới, cuốn nào thật quan trọng mới hẹn gặp đối tác trực tuyến”, ông Nguyễn Xuân Minh chia sẻ.
Bà Nguyễn Lê My Hoàn cho hay, trong thời gian giãn cách chống dịch vừa qua, Huy Hoàng Books không mua bản quyền thêm sách mới mà chỉ hoàn tất các giao dịch trước đó. Lượng sách mua bản quyền trong năm ước giảm 25% so với điều kiện bình thường.
“Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã hoạt động trở lại, công việc mua bản quyền cũng khởi động lại”, bà Nguyễn Lê My Hoàn cho biết.
Ba tháng cao điểm giãn cách, sách của Huy Hoàng Books vẫn ra đều (do in ở Hà Nội), qua thời gian dịch, nhân sự công ty, lương, chế độ phúc lợi vẫn còn. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn dè dặt trong mua bản quyền sách.
Bà Hoàn nêu lý do việc mua bản quyền sách chưa trở lại như cũ: “Sợ nhất là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sức tiêu thụ sách. Hiện tại, chúng tôi không tuyển người, không mở rộng thêm, thận trọng trong mua bản quyền”.
Đối với Nhà xuất bản Thế giới, việc mua bản quyền có thể sẽ điều chỉnh theo kế hoạch hoạt động chung. Ông Phạm Trần Long thông tin: “Nhà xuất bản Thế giới thường tập trung vào những đề tài truyền thống về học thuật, sách công cụ nền tảng, nên nhìn chung ít chịu sự chi phối của thị trường. Sắp tới, chúng tôi có thể sẽ phải chuyển hướng chiến lược, nghiên cứu những mảng đề tài đa dạng hơn nữa, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của bạn đọc”.
Theo Zing.vn
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023