Xuất bản sách báo là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng

Ngày đăng: 19/09/2012 - 10:09

Thành tựu nổi bật nhất của ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam là từ chỗ thiếu sách, đã cung cấp đủ sách phục vụ nhu cầu của xã hội với chất lượng nội dung và hình thức ngày càng cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội...

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao bức trướng của Ban Bí thư

tặng Ngành Xuất bản, In, Phát hành sách - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Cách đây 60 năm, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia đánh dấu bước phát triển mới của Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cách mạng nước ta.

Tự hào chặng đường lịch sử 60 năm

Hoạt động xuất bản ở nước ta có từ rất sớm song mãi đến những năm đầu của thế kỷ 20, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành vận động cách mạng thì sách báo mới thực sự hướng về nhân dân lao động, trở thành vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng trong việc tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Cuốn sách Đường Kách mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết và in vào năm 1927 là xuất bản phẩm cách mạng đầu tiên do chính bàn tay những người thợ in Việt Nam làm ra bằng những phương tiện hết sức thô sơ, đã trở thành cẩm nang cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên của Đảng.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, công tác xuất bản (bao gồm cả xuất bản, in và phát hành sách) trở thành vũ khí sắc bén của chính quyền cách mạng non trẻ, góp phần đắc lực vào công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời đấu tranh chống luận điệu phản động, xuyên tạc của bọn đế quốc và tay sai.

Cùng với sự ra đời của các báo Sự thật, Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc, Mác xít, Vui sống, Tân Văn hóa... những nhà in typô đầu tiên được xây dựng như Phan Đình Phùng, Tiến bộ, Lao động, Việt Nam quốc gia ấn thư cục. Công tác phát hành lúc đầu còn phân tán, sau được tập trung thành cơ quan Tổng phát hành sách báo cứu quốc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngành Xuất bản đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện mới. Trước muôn vàn khó khăn, thiếu thốn và nguy hiểm nhưng báo Cứu quốc, tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng lúc bấy giờ vẫn được in ra và phát hành đều đặn. Các nhà xuất bản và nhà in khác tiếp tục hoạt động trở lại vào khoảng giữa năm 1947.

Trong những năm 1948 - 1950, ngoài những nhà xuất bản đã có từ trước, một số nhà xuất bản mới ra đời như: Văn nghệ, Vệ quốc quân, Quân du kích (sau sáp nhập thành nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Nhiều ngành, đoàn thể cũng ra các loại sách chuyên ngành, như sách giáo dục, nông nghiệp, thanh niên, phụ nữ. Tổng phát hành sách báo cứu quốc hoạt động trở lại từ đầu năm 1950.

Ngày 10/10/1952, theo đề nghị của Nha Tuyên truyền - Văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia trên cơ sở thống nhất và sắp xếp lại những cơ sở của các hệ thống in Nhân dân, Cứu quốc, Độc lập, Lao động, Quốc gia ấn thư cục. Nhà in Quốc gia có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm sách, báo và ấn phẩm khác, đồng thời làm nhiệm vụ của cơ quan quản lý thống nhất ba khâu xuất bản, in và phát hành.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoạt động xuất bản đã có đóng góp tích cực trên mặt trận tư tưởng - văn hóa; bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của người đọc, bám sát cuộc chiến đấu của quân và dân ta, phản ánh kịp thời, sinh động và trung thực cuộc kháng chiến đầy gian khổ và anh dũng của quân và dân cả nước, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên sức người sức của cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Các tập sách tiêu biểu được in với số lượng lớn và phát hành rộng rãi lúc đó như: Sống như anh, Bất khuất, Những lá thư từ tuyến đầu tổ quốc, Người mẹ cầm súng, Đất nước đứng lên, v.v. đã làm xúc động hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè quốc tế, củng cố thêm lòng tin vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Theo sáng kiến của Bác Hồ, loại sách "Người tốt, việc tốt" được xuất bản đã kịp thời biểu dương những tấm gương vì nước quên thân, vì dân phục vụ, có tác dụng lớn động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tự giác đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến.

 

Tích cực hội nhập quốc tế

Cuối những năm 1980 và trong thập niên 1990, ngành xuất bản - in - phát hành sách đứng trước rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà xuất bản, cơ sở in, tổ chức phát hành tưởng chừng không thể đứng vững trước thử thách của cơ chế thị trường, đời sống cán bộ, công nhân viên gặp khó khăn. Ở một số nhà xuất bản, cơ sở in và cơ sở phát hành đã có những biểu hiện hiện xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, đưa ra thị trường những xuất bản phẩm xa lạ với tư tưởng, tình cảm, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Toàn ngành xuất bản đã vượt qua được những bỡ ngỡ, lúng túng ban đầu, tìm ra được phương thức hoạt động thích hợp tạo nên động lực nội tại cho bước phát triển phù hợp với cơ chế quản lý mới.

Trong những năm gần đây, tổng số sách xuất bản tăng lên đáng kể, hoạt động xuất bản có bước tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1975, toàn ngành đạt con số 2.905 tên sách và 41.618.000 bản, thì đến năm 2011, số sách được xuất bản lên tới 27.000 cuốn với hơn 293 triệu bản, tăng hơn 9 lần về cuốn và gần 7 lần về số bản, nâng mức hưởng thụ về sách trên một đầu người lên 3,4 bản sách/người/năm.

Nhiều cuốn sách đã làm xúc động hàng triệu trái tim bạn đọc Việt Nam và thế giới như: Những bức thư từ tuyến đầu tổ quốc, Sống như anh, Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… được xuất bản, phát hành rộng rãi với hơn nửa triệu bản chỉ trong thời gian ngắn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong cả nước và được dịch ra gần 20 thứ tiếng trên thế giới.

Hiện nay, toàn ngành có 64 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách, trung tâm phát hành sách với gần 50.000 cán bộ, công nhân viên thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hợp tác quốc tế về xuất bản, in, phát hành sách được tăng cường và mở rộng với các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế khác, đặc biệt là hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia. Hội Xuất bản Việt Nam là sáng lập viên của Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA).

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ

Bình luận