“Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới” - Cuốn tư liệu quý về Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 11/6/2008), tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh là Sáu Dân, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tham gia lãnh đạo quân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục đảm nhiệm các vị trí quan trọng như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Thủ tướng Chính phủ. Trên mỗi cương vị công tác, đồng chí đều để lại những dấu ấn đậm nét về phong cách của một người lãnh đạo luôn hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Cuốn sách là nguồn tư liệu quý, giúp cho bạn đọc thấu hiểu hơn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng, được tôi luyện và trưởng thành từ thực tiễn, sống và đấu tranh trong sự chở che, giúp đỡ của quần chúng lao động, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, trước hết. Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, thử thách khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã thể hiện tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ có nhiều quyết sách quan trọng, từng bước đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hội nhập khu vực và quốc tế. Những thành tựu của đất nước trong giai đoạn đầu tiến hành công cuộc đổi mới có những dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, gọi bằng những cái tên gần gũi, thân thương như: “Bí thư phá rào”, “Thủ tướng điện”, “Thủ tướng cầu đường”, “Kiến trúc sư của đổi mới”, “Tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước xuất bản cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ). Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần I - Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong lĩnh vực kinh tế. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách quyết liệt và táo bạo trong tổ chức thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết đoán và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng. Đồng chí đã thể hiện tư duy đột phá qua những quyết sách lớn như: bãi bỏ các trạm kiểm soát trên các tuyến giao thông, mở đường lưu thông hàng hóa; cải cách hệ thống ngân hàng; thực hiện chính sách thu hút đầu tư; giao quyền tự chủ cho các xí nghiệp quốc doanh; phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không; xây dựng các khu công nghệ cao; cấm sản xuất, kinh doanh và đốt các loại pháo nổ; thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… Những dự án lớn trên khắp các vùng miền của Tổ quốc như: Nhà máy thủy điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Sông Hinh, điện - đạm Phú Mỹ, đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam, xa lộ Bắc - Nam (đường Hồ Chí Minh chạy dọc Trường Sơn), đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, cầu Mỹ Thuận, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chương trình khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Chương trình thoát lũ ra biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau… đều ghi đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đặc biệt, công trình tải điện 500 kV Bắc - Nam là một mốc lịch sử quan trọng trong sự phát triển của ngành Điện lực Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Công trình được triển khai năm 1992, trong bối cảnh nước ta vừa bắt đầu công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất, miền Nam thiếu điện trầm trọng để phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh. Vượt qua tất cả những khó khăn về địa lý, yếu tố kỹ thuật, khả năng tài chính và tính khả thi của công trình, với tinh thần quyết tâm, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt, sau hơn hai năm thần tốc xây dựng, ngày 27/5/1994, dòng điện Bắc - Nam đã chính thức lưu thông trên toàn tuyến, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu điện trầm trọng và triền miên ở miền Nam, đánh dấu mốc son lịch sử của “công trình thế kỷ”, minh chứng cho sức mạnh, trí tuệ của con người Việt Nam. Việc hoàn thành công trình tải điện 500 kV đã tạo ra bước đột phá cho nền kinh tế đất nước.
Phần II - Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Trong thời gian đảm nhận trọng trách người đứng đầu Chính phủ, tâm huyết, tài năng và sức lao động của đồng chí Võ Văn Kiệt được phát huy cao độ. Bằng sự mẫn cảm chính trị, tầm tư duy chiến lược, quyết đoán và sự nặng lòng với đất nước, với nhân dân, đồng chí luôn có mặt ở những nơi thực tiễn cuộc sống đòi hỏi; lắng nghe, tìm hiểu thực tiễn từ cơ sở, nắm bắt kịp thời những kinh nghiệm quý báu để tìm ra giải pháp, từng bước tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục hạn chế.
Không chỉ chú trọng các vấn đề kinh tế, chính trị, mà đồng chí còn rất quan tâm, trăn trở tới truyền thống lịch sử, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di sản văn hóa dân tộc. Đồng chí thường gặp các giáo sư hàng đầu Việt Nam khuyến khích, động viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo nhằm khắc phục những mặt yếu kém trong phương pháp luận sử học, những hạn chế của tư duy giáo điều, máy móc nhằm nâng cao tính khoa học trong nhận thức lịch sử, trả lại công bằng cho một số nhân vật lịch sử. Điều mà đồng chí luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước.
Đồng chí đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy năng lực của thế hệ trẻ, cán bộ trẻ và luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi “lý lịch” hay quá khứ lỗi lầm. Đồng chí cho rằng “không ai chọn cửa mà sinh ra” và luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng trẻ.
Ðồng chí thừa nhận hoạt động từ thiện ở nước ta khá rầm rộ, nhưng từ thiện không thể thay chính sách, những người thực tâm muốn giúp đỡ người nghèo thường không chọn cách phô trương ồn ào để mua danh với thiên hạ. Ðồng chí nhấn mạnh: “Chăm lo cho người nghèo hiện nay không đơn giản chỉ là thực hiện một cam kết có tính lịch sử, mà còn là bảo vệ tôn chỉ, mục đích của một Ðảng cách mạng luôn nhận mình đứng về phía nhân dân”, vì vậy, “phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”. Ðồng chí đề nghị chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo cách làm của những quốc gia phát triển, sau nhiều lần tự điều chỉnh, ở đó người lao động, người nghèo đã được hưởng một chế độ phúc lợi khá cao, nhờ đó tạo ra một xã hội an sinh, ổn định để phát triển.
Phần III - Dấu ấn Võ Văn Kiệt trong hoạt động ngoại giao. Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến nhiều hoạt động đối ngoại kinh tế, đối ngoại chính trị, tạo vị thế mới cho đất nước trong quan hệ quốc tế. Thể hiện thông điệp về một nước Việt Nam đổi mới, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo khẩn trương tiến hành các hoạt động để gia nhập ASEAN, vận động Mỹ xóa bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ. Đến giữa những năm 1990, Việt Nam đã phá được thế bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ quốc tế trên phạm vi rộng lớn. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn, kể cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và gia nhập ASEAN, một tổ chức khu vực mà trong đó các thành viên đều không cùng ý thức hệ và chế độ chính trị, xã hội với Việt Nam. Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Kimoon nhận xét: “Trong thời gian đương chức, ông Võ Văn Kiệt đã đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”. Thủ tướng Xingapo Lý Hiển Long cho rằng: “Dưới sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế ra với thế giới, đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, và đạt được những tiến bộ lớn. Ông Kiệt đã đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với khu vực và các đối tác bên ngoài khác. Việt Nam đã có nhiều sáng kiến trong thời kỳ ông là Thủ tướng, đáng chú ý là việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia vào quá trình thành lập Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) vào năm 1996, với tư cách một thành viên sáng lập”.
Nhìn lại thành tựu của đất nước sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, những quyết sách của đồng chí Võ Văn Kiệt trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chuyển dần nền kinh tế Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xét đến cùng, những quyết sách của đồng chí đều mang tâm huyết vì nước, vì dân, thấm đẫm hơi thở của thực tiễn cuộc sống và thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn của một nhà lãnh đạo chiến lược, với quan điểm rõ ràng và nhất quán đó là: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.
Với tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học hỏi, bàn bạc với dân, để tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Hầu hết mọi quyết định lớn về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại của đồng chí đều có sự tham gia đóng góp trí tuệ, tri thức của các chuyên gia, nhà khoa học, kết tinh những kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân. 86 tuổi đời với gần 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, hy sinh trọn đời cho Tổ quốc, nhân dân, luôn lấy mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Với tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và linh hoạt, sâu sát thực tiễn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí đã có những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức mẫu mực, trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời cống hiến, phấn đấu, hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân dân.
Có thể thấy, cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ) góp phần làm rõ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với giai đoạn đồng chí giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thể hiện vai trò, dấu ấn của đồng chí trong giai đoạn mở đường, khởi động và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Cuốn sách còn là một tài liệu có giá trị tham khảo, cung cấp tư liệu quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy các môn Lịch sử Đảng, Chính trị học, Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước về công cuộc đổi mới đất nước nói chung và sự nghiệp đồng chí Võ Văn Kiệt nói riêng.
Việc xuất bản cuốn sách Dấu ấn Võ Văn Kiệt thời kỳ đổi mới (Tuyển chọn tài liệu lưu trữ) là một sự ghi nhận, tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với dân tộc; đồng thời, như một sự thành kính dâng lên đồng chí Võ Văn Kiệt nhân dịp 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Thông qua những tư liệu quý về đồng chí Võ Văn Kiệt - tấm gương của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết, hết lòng với đất nước, với nhân dân, cuốn sách góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, khơi dậy khát vọng cống hiến, ý thức tự cường dân tộc, kế tục xứng đáng sự nghiệp mà các thế hệ đi trước đã đặt nền móng, vun đắp, đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Theo Tạp chí Chính trị và Phát triển
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”