Chuẩn bị ra mắt bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam

Ngày đăng: 09/08/2016 - 10:08

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay sau đó, ngày 6 tháng 1 năm 1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước đã được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là sự kiện trọng đại, mở đầu thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thể hiện bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp phiên đầu tiên của Nhiệm kỳ Quốc hội khoá I vào ngày 2 tháng 3 năm 1946.

lich su quóc hoi1

Để ghi nhận quá trình ra đời, phát triển và đóng góp to lớn của Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, ngay từ đầu những năm 1990, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật mời PGS, NGND Lê Mậu Hãn và các nhà nghiên cứu lịch sử, các cộng sự nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam (gồm 4 tập).

Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (1946-2016) và chào mừng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật có kế hoạch xuất bản trọn bộ Lịch sử Quốc hội Việt Nam để phục vụ bạn đọc và các nhà nghiên cứu.

Từ khi ra đời đến nay, với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc.

Trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, cùng với việc xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách, tổ chức và động viên toàn dân “kháng chiến, kiến quốc” giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội đã cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế, vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Quốc hội không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

Trên nền tảng tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp năm 1946 là “Tất cả quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân”, Quốc hội đã thông qua các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước. Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và luật trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam là một bộ sách quý, ghi nhận quá trình ra đời, phát triển và đóng góp to lớn của Quốc hội Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng.

Lan Hương

Bình luận