Khúc hoan ca bi tráng về một thời lửa đạn

Khúc hoan ca bi tráng về một thời lửa đạn
Tác giả:
Số trang: 0 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản:
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Không thu hút người đọc bằng những đoạn gây sốc, không ngôn từ hoa mĩ, Lời tựa một tình yêu viết về tình yêu trong chiến tranh bằng một văn phong chân thực, không làm màu và những sự kiện cũng bộn bề phức tạp như chính cuộc sống, đem đến một dư vị khác lạ trong bản hợp xướng đa thanh của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

    Đề tài tình yêu thời chiến đã được phản ánh trong văn học nhiều thế kỷ, và dù hiện nay đất nước đã hòa bình nhưng những xúc cảm, dư âm mà nó mang lại luôn mới mẻ, thôi thúc người cầm bút. Những trang viết ấy chính là nét khắc họa về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống đấu tranh kiên cường của người chiến sĩ. Hai yếu tố hòa làm một trong cuốn tiểu thuyết không quá dày, là biên niên sự kiện về một thời lửa đạn của dân tộc; là bước thăng trầm hợp - tan - đoàn tụ của tình yêu đôi lứa; làm nổi bật những số phận cá nhân nhưng có sức đại diện cho cả thế hệ… tác giả Trần Mai Hạnh tỏ ra là một người tài ba khi gói ghém một cách khéo léo tất cả những điều đó trong một tác phẩm có nhan đề bay bổng: Lời tựa một tình yêu.

    Nghệ thuật đan cài tinh tế

    Hai mạch truyện diễn tiến song song, hai chủ đề cùng được tái hiện sinh động, hai tuyến nhân vật phi nghĩa - chính nghĩa… tất cả được cấu trúc lồng ghép khiến người đọc hứng thú theo dõi mà khó phân tách lớp lang như chính chủ đích của tác giả.

    Mở đầu câu chuyện là việc Châu thi đỗ trường Gia Long (Sài Gòn) nhưng không có tiền nhập học nên hai mẹ con lại trở về bán cá. Ngay từ những trang đầu của tác phẩm đã nói đến quyết tâm đi theo kháng chiến của cô bé 12 tuổi. Năm 1955, cô học trường Văn Lang và có một tình yêu sét đánh với người thanh niên Lê Hồng Tư - Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc của trường. Những kỷ niệm buổi đầu trong sáng dưới gốc đa nơi khu Hồng Thập Tự đã nhen nhóm một tình yêu bền bỉ. Họ nói với nhau những câu chuyện giản dị, về lý tưởng, về Bác Hồ, về con đường đúng đắn sẽ đi… Với Châu, cuộc gặp ấy mở ra một chân trời của hiểu biết, và như thế, tình yêu đến cùng lòng đồng cảm và cả những ngưỡng mộ, nể phục, tin yêu. Cũng thời điểm đó, xã hội Sài Gòn như thể mặt biển trước cơn bão lớn. Gió đã nổi và sóng ngầm đã bủa giăng. Tư xa Sài Gòn cùng lời hẹn ước chỉ như một sự bày tỏ và thăm dò, còn Châu nhớ đến tờ cam đoan với má…

    Theo Belinski, “tiểu thuyết là sử thi của đời tư”, nhằm chỉ ra khái quát nhất về một dạng thức tự sự dành cái nhìn tập trung vào số phận của một cá nhân, khai triển trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt cơ cấu của nhân cách. Chính bởi đặc trưng phản ánh toàn vẹn và sinh động đời sống, tiểu thuyết có khả năng bao quát đời sống trong cả chiều dài và chiều rộng với một cấu trúc linh hoạt, số lượng nhân vật đông đảo mà không khó khăn trong việc khắc họa những số phận cá nhân. Tính chất biên niên sự kiện của cuốn tiểu thuyết được thể hiện rất rõ qua những mốc thời gian cụ thể trải đều từ đầu đến cuối: ngày 23-4-1975, Châu trở lại Sài Gòn sau 11 năm; ngày 19-5-1969, Châu và chị Phan Thị Quyên được gặp Bác Hồ; ngày 1-5-1975, Côn Đảo hoàn toàn giải phóng…

    Khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, hai người gặp lại nhau sau một năm xa cách. Cuộc gặp gỡ ở bến xe đó là dấu mốc cho 15 năm thử thách, chỉ một tiếng gọi “Anh Tư” lại như một sợi dây vô hình bền bỉ níu kéo hai người với một quyết tâm mãnh liệt. Những trang viết giàu tính sử liệu mà vẫn bảo đảm được tính chất văn chương, kết hợp hài hòa cái hỗn tạp của cuộc sống thời chiến và cái bay bổng của tình cảm lứa đôi: cuộc hành quyết tập thể năm 1965, chính sách sắt và máu của chính quyền Thiệu - Kỳ được lột tả qua những trang viết sinh động; ngày anh Tư ra pháp trường mặc chiếc quần đùi Châu may tặng. Trong bức thư gửi Châu viết từ khám Chí Hòa, anh vẫn một lòng yêu thương nhưng không ích kỷ giữ riêng cho mình, mong Châu ở lại mạnh khỏe, bình an và tự quyết định lấy hạnh phúc tương lai của mình (tr.131).

    Tác giả Trần Mai Hạnh hay tạo dựng những tình huống đối lập trong suốt quá trình kể, từ đó toát lên được tình thế ngặt nghèo của cuộc sống. Sự éo le khiến tình yêu vút sáng lên như một cứu cánh duy nhất cho hiện tại đau thương, là lý do vẫy gọi con người bền gan chiến đấu, trở về từ địa ngục. Năm 1961 anh Tư bị bắt, giây phút cái chết cận kề anh chỉ nghĩ đến Châu, đến ánh mắt nhìn và giọt nước mắt sắp trào ra của Châu buổi chia tay. Bị kết án tử hình, những con người hiên ngang không nao núng trước kẻ thù như anh Hiển, anh Mẹo, anh Chính, anh Thành, anh Vịnh… Ngôn ngữ đoạn xử án được nhà văn sử dụng sắc sảo, tình huống hồi hộp với những cao trào. Ấn tượng đặc biệt là sự đan xen giữa cái bừng bừng của khí thế hiên ngang khi bị kết án tử hình với tính trữ tình của tâm trạng con người với lời bài hát Giải phóng miền Nam.

    Trong khi triển khai mạch truyện, nhiều phân đoạn mang tính chất như những trang bút ký. Côn Đảo hiện lên với những sự thâm u mà người ta không thể hình dung chỉ qua miêu tả. Nơi ấy những con người đối diện với cái chết, với cuộc sống không khác gì địa ngục trần gian. Nhà văn Trần Mai Hạnh, với vốn sống, với tài năng của mình đã khắc họa được sự tàn bạo của nhà tù Côn Đảo, đặc biệt là những “địa chỉ chính xác” của hầm đá lao số 2, hệ thống trại tù… Tình huống gây xúc động mạnh khi anh Tư nhận được lời hứa hôn của chị Châu qua một người bạn tù sau hai năm ra đảo. Tất cả những nỗi niềm hạnh phúc ấy được anh Tư gửi vào hai chữ T.C khắc trên miếng bạc mỏng với nhiều ấp ủ. Để rồi sau đó, chị Châu nhận được kỷ vật ấy sau bao gian khổ, thậm chí là cả sự đánh đổi bằng sinh mạng của một người đồng chí. Sự chú tâm của tác giả được dành cho những trang viết về 15 năm thăng trầm của anh Tư, đặc biệt là những giờ phút ngặt nghèo. Cuộc thách đố vượt ngục vào mùa gió chướng của tên đại tá chúa đảo Nguyễn Văn Vệ và tên giám thị Chín Khương (tức Lê Văn Khương) - khét tiếng gian ác, tàn bạo với các anh Lê Hồng Tư, Nguyễn Văn Hai (chiến sĩ Biệt động Sài Gòn), Phạm Văn Dẫu (chiến sĩ Quân Giải phóng) là động lực dẫn tới “Cuộc vượt ngục hi hữu” - một trong những chương hay nhất, kịch tính và xúc động nhất của tác phẩm. Trong hoàn cảnh an ninh cực kỳ nghiêm ngặt, đêm ngày bị cùm trong lao cấm cố giam tù tử hình, khoảng cách từ bệ xi măng người tù nằm lên đến mái ngói cao tới 6 mét, vậy mà ba anh vẫn trổ được mái thoát ra. Cuộc vượt ngục từ lao cấm cố ấy là có một không hai trong lịch sử 113 năm Nhà tù Côn Đảo, gây chấn động toàn đảo. Phải một thời gian sau, bọn thằng Khương, thằng Vệ mới vây bắt được ba anh. Lời tuyên bố đanh thép, dứt khoát, quả cảm: “Bắt giam là chuyện của các ông. Vượt ngục là chuyện của chúng tui. Chúng tui chiến đấu bằng mọi cách để trở về đội ngũ của mình” (tr.152) đã cho thấy một chiều kích khác, rất đời mà lại rất vĩ đại, hệt như sự ngay thẳng và quyết liệt trong lựa chọn và theo đuổi đến cùng lý tưởng sống cao đẹp.

    Bút pháp đối lập của Lời tựa một tình yêu được khai thác khá triệt để, từ hoàn cảnh của con người, từ tâm lý nhân vật… đến cả thiên nhiên tạo vật xung quanh. Thiên nhiên kỳ vĩ tươi đẹp hiện tại đối lập với cái thâm u, đau thương trong quá khứ; những biến cố lịch sử qua đi, niềm tin và khát vọng còn ở mãi; cuộc sống như hồi sinh khi địa ngục chuồng cọp bừng tỉnh vì Sài Gòn được giải phóng… Chất thơ của cuốn tiểu thuyết cũng chính là chất thơ toát lên từ cuộc đời và tâm hồn những người chiến sĩ: “Rồi đây, những biến cố lịch sử cũng sẽ qua đi, hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò sẽ trở thành những chứng tích được phủ mờ bởi lớp cát bụi và rêu phong của thời gian. Mảnh đất này lại sẽ trở về bình lặng như trăm ngàn hòn đảo yêu dấu khác của Tổ quốc, đêm ngày sống với tiếng vỗ ru dạt dào, cố hữu tự ngàn đời của biển cả” (tr.207).

    Giọng văn khi thì xúc động (anh Hai trước khi chết vẫn một nguyện ước được gặp Bác Hồ; nỗi khổ đau của những tù nhân Côn Đảo; anh Tư nhận được thư của chị Châu (với bí danh Lê Hồng Thanh)); khi thì chua xót (nơi hòn đảo với những tháng ngày man rợ, anh Tư đã chôn vùi gần hết tuổi thanh xuân của mình); khi lại hóa thân vào nhân vật Châu để kể hay nhập vào xúc cảm của anh Tư để lột tả được những khổ đau... Sự biến đổi linh hoạt của giọng điệu ấy đem lại cái đa thanh cho tác phẩm và khiến độc giả can dự sâu hơn vào diễn biến của truyện.

    Cổ tích sau những thăng trầm

    Từ cách kể thú vị, cách tạo dựng tình huống truyện độc đáo, thông điệp mà cuốn tiểu thuyết mang đến được truyền tải mạnh mẽ hơn, tạo nhiều ám ảnh hơn. Vẫn là tình yêu của những con người chung lý tưởng, đi từ địa ngục đến thiên đường, nhưng hơn hết là một niềm tin không dễ gì khuất phục. Chị Châu biết tin anh Tư bị tử hình qua báo Dân mới ngày 24-5-1962. Một quyết tâm mãnh liệt dâng trào trong chị khi đứng trước quyết định công khai nhận là vợ chưa cưới của anh Tư. Bởi lẽ “bọn chúng có thể kết án tử hình, có thể chặt đầu những người không may sa vào tay chúng. Nhưng lẽ sống và tình yêu của những người cách mạng thì chúng đừng hòng tiêu diệt nổi” (tr.91). Lời tựa một tình yêu là một cuốn tiểu thuyết đề tài lịch sử và tình yêu đan xen hài hòa. Những biến cố, dấu mốc chân xác khiến câu chuyện đời hơn, dễ tìm được niềm đồng cảm vì khơi gợi ký ức. Những ký ức, nhớ nhung, đau đớn và đặc biệt là niềm tin yêu khiến người ta mạnh mẽ. Độc giả tìm thấy ở cuốn tiểu thuyết này sự phong phú những sắc màu xúc cảm, những nếm trải trong cuộc đời giông bão, tất cả được đẩy lên đến tận cùng của cung bậc cảm xúc.

    Chị Châu, anh Tư - hai con người cùng đi qua những cùng cực khổ đau, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết còn mảnh hơn sợi tơ, đã cùng trở lại, hạnh phúc bên nhau. Đám cưới được tổ chức vào đêm Trung thu đầu tiên khi Sài Gòn vĩnh viễn trở về trong lòng dân tộc. Với ý nghĩ xuyên thời gian, nhà văn đưa ra chân lý sống: quá khứ vinh quang của một con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay con người ta vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời (tr.222). Tuy nhiên, trong cuốn sách, đây đó còn một vài điểm đáng tiếc như ở nhiều đoạn còn nặng tính “kể sự” lẽ ra có thể lược bỏ/gia tăng tính “tả sự”. Ở phần cuối, cách để tác giả đứng ra trình bày lại quá trình có mặt của cuốn sách dường như bị lạc điệu, làm giảm đi phần nào tính chất văn chương của tác phẩm. Tuy nhiên, nhìn ở một phương diện nào đó, có lẽ, cách thức đó lại mang lại “lực hấp dẫn” riêng đối với người đọc, nhất là những con người đã đi qua cuộc chiến.

    *

    Lời tựa một tình yêu - một cuốn sách cảm động, một thiên truyện được bồi đắp bằng những xúc cảm ngập tràn. Dù mang khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết nhưng không khiến người đọc thấy nặng nề, trái lại, những kịch tính, biến cố dẫn người đọc đi qua mọi cung bậc, và mạch chính vẫn là sức mạnh của một tình yêu phi thường. Nói theo cách của Dêgơcx, chừng nào tâm hồn một con người còn cần đến một tâm hồn khác, chừng đó tác phẩm nghệ thuật còn cần thiết cho con người. Chính khoảng cách xa và ngặt nghèo lại là sự kết nối phi thường của những con người cùng chung lý tưởng. Ở đó, cái mơ hồ trở nên bền chặt, cái khoảnh khắc trở thành bất diệt. Kết thúc có hậu của mối tình Châu - Tư cũng chính là khúc ca khải hoàn đầy bi tráng của lịch sử dân tộc, đem đến cái nhìn trân trọng và tự hào không chỉ cho những người đã kinh qua cuộc chiến.

    TS. Đỗ Thu Huyền

    Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Nguyễn Trung Trực (Đảng bộ quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hải Lăng (Đảng bộ tỉnh Quảng Trị)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Cửa Tùng
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Đài (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Phú (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Lâm (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Yên (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Thành (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Bình (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vũ Lạc (Đảng bộ Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hành Đức (Huyện ủy Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã KDang (Đảng bộ huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Giá Rai (Tỉnh ủy Bạc Liêu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    Giá tiền: 85.000 đ
    Tác giả: Tòa án nhân dân tối cao
    Giá tiền: Liên hệ