Đằng sau đòi hỏi Đảng phải thay đổi cương lĩnh là gì

Ngày đăng: 29/11/2016 - 10:11

Gần đây một số người, dưới danh nghĩa đảng viên, đã viết và phát tán trên internet "Thư ngỏ" với nhiều quan điểm sai trái.

"Thư ngỏ" viết: "Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xôviết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba mươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh".

Từ cách đánh giá tình hình đó, "Thư ngỏ" đòi: "Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa...".

Có người đặt câu hỏi: Những tác giả của "Thư ngỏ" muốn gì đằng sau đòi hỏi Đảng thay đổi Cương lĩnh?

Nếu nhớ lại, ta sẽ bắt gặp những luận điệu, cách nhìn và đánh giá tình hình như trên đã từng được lặp đi lặp lại nhiều lần, vào những dịp khác nhau, như: thời gian chuẩn bị Đại hội XI của Đảng (2011), trong đó có việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991); thời gian Quốc hội chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp 2013, trong đó có những bổ sung và sửa đổi rất quan trọng có liên quan đến chế độ chính trị và tính chất nhà nước của ta. Ta cũng sẽ bắt gặp nhiều tên tuổi ghi trong "Thư ngỏ" đã từng là tác giả của những kiến nghị trong các thời gian nói trên. Thái độ của Đảng ta là hoan nghênh và lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt, miễn là trong tinh thần xây dựng, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Nhưng điều đó không có nghĩa là Đảng không phê phán và bác bỏ những cái gọi là kiến nghị, thực chất là yêu sách đòi thay đổi con đường và chế độ chính trị đã lựa chọn. "Thư ngỏ" đưa ra đúng vào thời gian Đảng ta chuẩn bị tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhân danh "trung thành với tâm nguyện vì nước, vì dân khi vào Đảng", các tác giả đã nói trắng ra là họ đòi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ chủ nghĩa xã hội.

Liệu có gì cần tranh luận? Chắc hẳn là không. Tuy vậy, cũng nên nói đôi điều để phân rõ trắng đen, phải trái.

Nói cho công bằng, "Thư ngỏ" đòi Đảng phải thay đổi "thể chế chính trị" một cách "ôn hòa", nghĩa là không bạo lực, nhưng cái điều kiện của sự ôn hòa ấy là Đảng phải "tự giác" thay đổi Cương lĩnh... Thế mới có chuyện cần bàn.

"Thư ngỏ" đã vẽ nên tình hình đất nước ta hiện nay bằng một màu tro xám xịt, nào là "khủng hoảng toàn diện", nào là "tình thế hiểm nghèo", nào là "Tổ quốc lâm nguy"! Có thật như vậy không?

Có thật đất nước đang "khủng hoảng toàn diện"? Khủng hoảng toàn diện có nghĩa là khủng hoảng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lẫn đối ngoại và an ninh - quốc phòng. Một cuộc "khủng hoảng toàn diện" như vậy chắc hẳn là điều mong muốn từ ruột gan của các thế lực thù địch đang chống phá ta. Nếu quả thật có một cuộc khủng hoảng toàn diện như thế thì sẽ dễ dàng biết mấy cho chúng thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", làm "cách mạng sắc màu". Có thể chúng sẽ vỗ tay hoan hô và kích thích những lời phán định vô trách nhiệm, nhưng dễ gì tin một cuộc khủng hoảng toàn diện đang thực sự diễn ra ở Việt Nam?

Không ai không thấy trong mấy chục năm qua, đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi một cách cơ bản, toàn diện bộ mặt của đất nước. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội (1996), tiến lên ra khỏi tình trạng kém phát triển (2010), và từ đó, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cũng như đổi mới nói chung, đổi mới kinh tế luôn đứng trước cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn, có lúc khó khăn, thách thức còn lớn hơn cả thuận lợi, thời cơ. Tình hình diễn ra sau Đại hội XI của Đảng là như vậy. Nhưng rồi bằng cuộc phấn đấu quyết liệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiềm chế và đẩy lùi, nhịp độ tăng trưởng dần hồi phục. Nền kinh tế đang tiến bước với việc thực hiện ba đột phá chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại. Vẫn biết khó khăn, thách thức còn nhiều, thậm chí Đảng ta chứ không ai khác là người đã cảnh báo nguy cơ "tụt hậu xa hơn về kinh tế" và bùng nhùng trong "cái bẫy thu nhập trung bình" nhưng không thể vì thế mà nói kinh tế nước ta đang chìm trong khủng hoảng.

Chính trị cũng như vậy. Mấy chục năm qua, đổi mới chính trị luôn gắn liền với đổi mới kinh tế, hơn thế nữa còn giữ vai trò dẫn dắt, chỉ đường cho đổi mới kinh tế. Không ai không thấy, trong đổi mới chính trị, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Nhưng cũng như trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Quyết liệt nhất trong những năm gần đây là cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm... trong bộ máy lãnh đạo và quản lý. Kết quả đạt được còn chưa như mong muốn. Trên một số mặt, chiều hướng xấu còn nghiêm trọng. Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa biến chất của cán bộ, đảng viên là nguy cơ lớn mà Đảng ta từng cảnh báo trong Cương lĩnh. Nhưng nếu từ đó mà quy kết rằng ta đang "khủng hoảng chính trị" là không đúng. Chẳng phải ổn định chính trị là một nét đặc sắc của Việt Nam mà nhiều nước lớn nhỏ trên thế giới đều thừa nhận đó sao?

Có thật đất nước đang trong "tình thế hiểm nghèo", ‘Tổ quốc đang lâm nguy"? Những lời hô hoán ấy đã từng rộ lên trong thời gian Biển Đông dậy sóng bởi việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Cũng trong thời gian ấy, ta còn nghe thấy những lời kêu la rằng Đảng, Nhà nước ta đã quá nhu nhược, không dám đánh, không chừng mất biển, mất đảo đến nơi. Nay thì, sau cơn sóng gió ở Biển Đông tạm yên, những lời hô hoán như trên cũng giảm đi âm lượng. Nói tạm yên không có nghĩa là đã đến hồi kết. Đây còn là chuyện lâu dài. Không phải do ta gây ra mà là do các âm mưu độc chiếm từ bên ngoài. Ta cần luôn cảnh giác và sẵn sàng cuộc chiến đấu bảo vệ bằng nhiều biện pháp. Sự thật là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, Đảng và nhân dân ta chưa bao giờ lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và tăng cường lực lượng quốc phòng, đấu tranh gìn giữ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trên đất liền cũng như trên biển đảo. Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, ta không nhân nhượng chút nào chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên phần đảo, phần biển mà cha ông ta để lại nhưng chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tránh đối đầu bằng quân sự trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Chủ trương đó chẳng phải đã được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi trên thế giới đó sao? Chẳng phải lúc này, trong quá trình hội nhập quốc tế, quan hệ đối ngoại của nước ta trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới đã được mở rộng chưa từng có; vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng cao hơn bao giờ hết đó sao?

Cái gọi là "khủng hoảng toàn diện", "tình thế hiểm nghèo", "Tổ quốc lâm nguy" thật ra chỉ là ngụy tạo. Cái cớ được đưa ra để đòi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội không đứng vững được.

Như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: "Cương lĩnh của Đảng là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và nhân dân ta trong những thập kỷ tới"1..

Cương lĩnh không phải sản phẩm của một vài cá nhân, hay của một nhóm người nào đó. Cương lĩnh là ý chí của toàn Đảng mà đại diện cao nhất là Đại hội Đảng, là Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 so với Cương lĩnh năm 1991, đã có nhiều sự bổ sung và phát triển đầy sáng tạo. Đó là kết quả của tổng kết thực tiễn cách mạng trong 25 năm đổi mới, cũng là kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng trong hơn 80 năm kể từ ngày thành lập. Cương lĩnh vừa được ban hành vài năm mà một số người nhân danh đảng viên lại đưa ra đòi hỏi thay đổi là hoàn toàn không bình thường.

Đòi hỏi thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển đổi thể chế chính trị từ độc đảng toàn trị sang dân chủ, thực chất là đòi hỏi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng.

Hệ quả là gì?

- Một đảng mang tên cộng sản mà từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa thì đó còn là Đảng Cộng sản không? Hãy thay đổi tên đảng đi!

- Một nhà nước mang tên cộng hòa xã hội chủ nghĩa mà từ bỏ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì có còn là nhà nước xã hội chủ nghĩa nữa không? Hãy thay đổi tên nước đi!

- Và lôgic tất yếu sẽ là cắt bỏ hết mọi tính từ xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường. Bỏ tính chất xã hội chủ nghĩa của nền dân chủ. Bỏ mô hình tổ chức nền dân chủ theo hệ thống chính trị mà chuyển sang mô hình xã hội dân sự, v.v..

Thật ra, không phải các tác giả "Thư ngỏ" không biết Cương lĩnh nói gì về xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Nhưng họ đã phớt lờ ngay cái điểm đầu tiên của xã hội ấy là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ...

Họ bóp méo tính chất dân chủ của Nhà nước ta - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...

Họ phủ nhận dân chủ xã hội chủ nghĩa rằng đó là phi dân chủ, bất chấp những gì Cương lĩnh đã ghi: Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả lĩnh vực.

Cương lĩnh còn nêu rõ: Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người... Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.

Họ lặp lại cái luận điệu "độc đảng, toàn trị" mà các thế lực thù địch dùng để chống lại sự cầm quyền, lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mà không hiểu thực chất của "toàn trị" là gì, có dính dáng gì đến sự lãnh đạo của Đảng ta không. Thực tế hiện nay, quyền dân chủ của nhân dân còn bị vi phạm, có những trường hợp nghiêm trọng. Nhưng đó là do Cương lĩnh sai hay do làm sai Cương lĩnh? Lãnh đạo theo cơ chế dân chủ, tăng cường dân chủ, tự kiểm điểm và phê phán những việc làm sai trái, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền là điều Đảng ta quan tâm.

Nói tóm lại, chỉ bằng việc đòi thay đổi Cương lĩnh mà có thể dẫn đến mọi sự thay đổi khác - thay đổi tính chất của Đảng, thay đổi tính chất của Nhà nước, thay đổi Hiến pháp, thay đổi toàn bộ thể chế từ chính trị đến kinh tế, xã hội. Đất nước ta sẽ tiến tới một xã hội đa nguyên, đa đảng, một xã hội của sự cạnh tranh và giành giật về quyền lực.

Nếu Đảng ta chấp nhận sự thay đổi Cương lĩnh như đòi hỏi của "Thư ngỏ" thì Cương lĩnh sẽ không còn là ngọn cờ chiến đấu của Đảng, không còn cần thiết phải có Cương lĩnh nữa, khác nào chấp nhận tự thủ tiêu mình, hoặc mở đường cho một thứ cách mạng màu nào đó?

Hà Đăng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Trích trong cuốn Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng,
cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật


Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.90.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả