Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế hiện nay
1. Bản sắc văn hóa - mạch nước ngầm kết tinh truyền thống chảy suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
Văn hóa vốn gắn liền với toàn bộ cuộc sống và với sự phát triển của xã hội. Con người ra đời cùng với văn hóa, trưởng thành nhờ văn hóa, hướng tới tương lai cũng từ văn hoá. Văn hóa của một dân tộc trước hết thể hiện ở bản sắc của dân tộc ấy. Bản sắc dân tộc không phải là cái nhất thành bất biến, mà là một sản phẩm gắn với từng bước phát triển của cộng đồng dân tộc, tức là luôn có xu thế hướng tới hiện đại. Không phải cái gì khác mà chính là bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đã giúp chúng ta ngày nay có quyền tự hào về một đất nước tuy không rộng, người không đông nhưng sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp và hơn 20 năm xâm lược của đế quốc Mỹ, song Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình. Có thể cắt nghĩa điều này bằng nhiều cách khác nhau, trong đó chúng ta vẫn thường đồng tình với quan niệm: Sở dĩ có được như vậy là vì không những dân tộc này xem “đất Tổ, quê cha là thánh địa”, luôn có ý thức bảo vệ và “rất tự hào về nòi giống Lạc Hồng”, “luôn hâm nóng mãi tinh thần cứu nước” và còn biết “bảo vệ văn hóa dân tộc”[1].
2. Bản sắc văn hóa Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và thách thức của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế
Nhân loại đã từng chứng kiến rất nhiều nền văn hóa sáng rực lên rồi tắt đi theo dòng chảy của lịch sử; cũng đã từng tận mắt chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa truyền thống được bổ sung, được nâng lên tầm cao mới và cũng đã nuối tiếc nhiều nền văn hóa mất đi trong quá trình hội nhập, giao lưu.
Kinh tế thị trường là thành tựu chung của nền văn minh nhân loại, nó có nhiều ưu điểm và tích cực đối với sự phát triển xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Thế nhưng, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng làm cho tâm lý, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc dễ bị mai một; biến những di tích lịch sử - văn hóa của dân tộc thành sản phẩm hàng hóa theo mục đích tất cả vì lợi nhuận, làm cho tư tưởng, lối sống, đạo đức vốn được tạo dựng trong truyền thống, trong cách mạng, trong kháng chiến bị xói mòn, v.v.. Vì lẽ đó mà không thể thờ ơ, không thể hy sinh bản sắc văn hóa dân tộc vì mục tiêu trước mắt, lại càng không thể buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Như mọi quốc gia khác, đất nước ta đang đối mặt với những vận hội và thách thức mới của thời đại, của xu thế hội nhập quốc tế. Khi mở cửa, với tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, chúng ta phải xây dựng mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa với các nước trên thế giới. Văn hóa Việt Nam phải hội nhập để phát triển. Đứng trước quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế thì những cuộc “xâm lăng văn hoá” diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể nhân danh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc để đóng cửa, khép kín, hạn chế hội nhập và giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhưng nếu chúng ta tự ti, vọng ngoại thì sẽ đánh mất bản sắc của mình, sẽ bị lấn át và có thể sẽ bị “đồng hoá”. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta phải tiếp thu cái gì và tiếp thu như thế nào? Có thể thấy, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu văn hóa nhân loại là hai mặt thống nhất của một vấn đề. Phải lấy bản sắc văn hóa Việt Nam làm nền tảng, làm cái gốc để “gạn đục, khơi trong” cho sự tiếp thu. Giữ vững được định hướng này thì chúng ta mới xây dựng được một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một số giải pháp xây dựng, bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay:
Trong bối cảnh mở rộng và giao lưu quốc tế, đồng thời phát triển nền kinh tế thị trường để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc sẽ trở thành một thách thức lớn đối với nước ta. Vậy chúng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào? Một nền văn hóa không còn bản sắc thì nền văn hóa ấy cũng không còn là nền văn hóa của một dân tộc độc lập. Giá trị của một nền văn hóa chính là ở bản sắc dân tộc của nó. Ngày nay, trước những thách thức gay gắt của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, xây dựng bản lĩnh dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nếu không có ý thức đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng đoạn tuyệt với truyền thống văn hóa dân tộc, đánh mất đi bản sắc dân tộc trước sự “quốc tế hoá” của văn hóa, khoa học và công nghệ.
Nền văn hóa mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, do vậy cần kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa thế giới. Xây dựng bản lĩnh dân tộc được xem là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bản lĩnh dân tộc được kết tinh trong lối ứng xử mềm dẻo, khôn ngoan dựa trên nguyên tắc giữ vững tính độc lập, tự chủ trong giao lưu và hội nhập, chủ động giao lưu, không đóng cửa khép kín nhưng cũng không được buông lỏng tuỳ tiện, “không chối từ” tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng cũng “không sùng tín” các yếu tố ngoại lai không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Kinh nghiệm của lịch sử cho thấy, dù trước đây nước ta bị các thế lực phong kiến, đế quốc thống trị, nhưng với cách ứng xử thông minh và khôn ngoan mà tâm hồn dân tộc, cốt cách dân tộc, bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững. Xây dựng bản lĩnh dân tộc bằng cách học hỏi kinh nghiệm lịch sử của cha ông sẽ là một trong những giải pháp hàng đầu để vượt qua thách thức trước xu thế toàn cầu hoá.
Hai là, xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc phải dựa trên cơ sở lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Hội nhập, mở cửa giao lưu với quốc tế sẽ tác động, ảnh hưởng tới lối sống, nếp sống, quan niệm về chuẩn giá trị, phong tục, tập quán... cho nên ta phải xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc từ những di tích lịch sử - văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, danh lam thắng cảnh đến ngôn ngữ, chữ viết, những tác phẩm khoa học, nghệ thuật, phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội, ngành nghề thủ công truyền thống, v.v.. Để thực hiện được chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, phải nắm vững và vận dụng sáng tạo thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đối với chiến lược bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trước xu thế toàn cầu hóa.
Ba là, xây dựng bản lĩnh dân tộc, chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc phải được tiến hành đồng thời và đồng bộ với chiến lược xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kinh tế, chính trị và văn hóa là những lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, có mối quan hệ hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau. Xây dựng bản lĩnh dân tộc và chiến lược bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc không thể tách rời với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa mà hạt nhân lãnh đạo và quản lý của hệ thống ấy là Đảng Cộng sản. Phải nhận thức được những thách thức của toàn cầu hóa đối với văn hóa dân tộc, vận dụng được mặt tích cực, chớp lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ bằng chiến lược mềm dẻo, thông minh để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, trên thế giới dân tộc nào cũng muốn dành ưu tiên cho hoạt động tăng trưởng kinh tế, nhưng chủ thể kinh tế lại chính là con người và thước đo trình độ con người lại chính là văn hoá. Nếu không quan tâm đến văn hóa, đến dân trí, đến chất lượng giáo dục, đến phát triển khoa học và công nghệ thì tăng trưởng kinh tế sẽ không bền vững.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề có tính quy luật cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc trong cộng đồng quốc tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn âm mưu xoá bỏ chế độ ta. Đồng thời, những mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế cũng tác động tiêu cực tới những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị văn hóa dân tộc... Chính vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vẫn còn là vấn đề có tính thời sự nóng bỏng.
Bản sắc dân tộc của văn hóa là cái không thể vay mượn được, tuy rằng, bất cứ nền văn hóa nào cũng xuất phát từ con người, hướng tới chân - thiện - mỹ để phát triển và chứa đựng trong nó những yếu tố chung với các nền văn hóa khác. Xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu với nước ngoài, chúng ta phải biết kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời phải “đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc”[2]; vừa ra sức tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ngang tầm thời đại.
Trong di sản văn hóa của dân tộc ta có không ít những giá trị mà cha ông ta tiếp biến được từ trong quá trình giao lưu văn hoá. Bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mà chúng ta có được hiện nay là do chính bàn tay, khối óc của bao thế hệ người Việt Nam tạo dựng nên. Vì vậy, phải coi trọng việc khơi dậy niềm tự hào và ý thức kế thừa văn hóa và phải thực hiện một cách sáng tạo. Chỉ có như vậy chúng ta mới không bị rơi vào căn bệnh thủ cựu, tức là bê nguyên xi cái cổ truyền hoặc “nệ cổ” vô lối. Kế thừa văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đổi mới và phát triển văn hóa trong quá trình hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
*
* *
Xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn đặt ra những thử thách mới. Đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển, văn hóa cũng đang trong quá trình vận động, chuyển biến từ một nền văn hóa còn một số yếu kém, sang một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại trên cơ sở giữ vững và phát huy những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Sự chuyển hóa đó không thuận chiều nếu thiếu ý thức bản lĩnh coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, càng không dễ vượt qua nếu không hiểu hết ý nghĩa chân chính của vấn đề hiện đại hóa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
* Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025