Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á

Ngày đăng: 16/03/2017 - 14:03

ton giao va van hoa dong nam aCó thể nói, tôn giáo và văn hoá là hai lĩnh vực được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm từ trước đến nay. Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hoá là mối quan hệ bộ phận không thể tách rời. Tôn giáo là một hiện tượng văn hóa của xã hội loài người, nó gắn liền với nhiều hoạt động, đời sống chính trị trong xã hội. Nó vừa là một hiện tượng đặc biệt, một yếu tố văn hóa. Tôn giáo là đối tượng xem xét của nhiều ngành khoa học trong suốt lịch sử phát triển của tôn giáo. Trong đó, tôn giáo trong đời sống văn hóa, đặc biệt là đối với đời sống văn hóa của các nước Đông Nam Á là đề tài đã được tác giả Trương Sỹ Hùng quan tâm nghiên cứu và cho ra mắt cuốn sách với tựa đề Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào tháng 1-2017.

Nội dung cuốn sách sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn quá trình hình thành, phát triển, sự suy thịnh và ảnh hưởng của các lĩnh vực tôn giáo khác nhau đến đời sống văn hóa của Đông Nam Á. Bằng cách trình bày khách quan quá trình hội nhập và phương thức tồn tại của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo), cuốn sách đi sâu phân tích quá trình hội nhập của mỗi loại hình tôn giáo vào các nước trong khu vực, đồng nghĩa với sự thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng chủ đạo của giai cấp thống trị. Đồng thời, cuốn sách minh chứng rõ hơn vai trò của tôn giáo trong một số lĩnh vực của văn hóa Đông Nam Á, ở bốn phương diện cơ bản của văn hóa là chữ viết, văn học, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, lễ hội.

Cuốn sách dày hơn 200 trang với sự nghiên cứu tỉ mỉ, công phu, đặt ra và lý giải mối quan hệ biện chứng giữa hiện tượng truyền giáo và bản chất thế tục hóa trong môi trường văn hóa của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á ở một số lĩnh vực tiêu biểu. Các tôn giáo lớn hòa nhập được vào ý thức hệ văn hóa Đông Nam Á từ rất sớm là nhờ các tín ngưỡng bản địa của các cộng đồng cư dân vốn đã phong phú, đa dạng. Mỗi tôn giáo được biểu hiện dựa trên bốn lĩnh vực: ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, lễ hội của Đông Nam Á, góp phần làm sáng tỏ những biến đổi của văn hóa bản địa, có sự điều chỉnh của tầng lớp phong kiến và tầng lớp tri thức.

Thông qua cuốn sách, tác giả đã lý giải và cho thấy, văn hóa là một hệ thống được tạo thành bởi nhiều thành tố khác nhau như ngôn ngữ, văn chương, kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo… Trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hoá có sự tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội. Tại mỗi vùng đất, điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội lại có sự khác biệt dẫn đến sự phát triển của văn hoá cũng có sự khác nhau. Quá trình truyền giáo của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo) đã làm thay đổi bản chất văn hóa của bộ phận lớn cư dân qua các thời đại. Qua bốn chương sách, tác giả đã có những phân tích và dẫn chứng cụ thể để làm rõ điều này.

Với cách nhìn khách quan về quá trình hội nhập và phương thức tồn tại của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, cuốn sách còn cho chúng ta thấy mỗi loại hình tôn giáo đều có vai trò tác động trở lại đời sống văn hóa dường như tự nhiên, gắn bó mật thiết với nhau như hình với bóng. Qua phân tích sự ảnh hưởng của tôn giáo và văn hóa cùng những dẫn chứng cụ thể của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa được biểu hiện qua chữ viết, văn học, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo, lễ hội dân gian, tác giả đã cho rằng, xét bản chất vấn đề tôn giáo, thì tôn giáo là một thành tố đặc trưng của tất cả mọi nền văn hóa nói chung và văn hóa Đông Nam Á nói riêng. Vì vậy, trong cấu trúc văn hóa, chữ viết, văn chương, lễ hội, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc,... đều đã liên kết với nhau tạo ra nếp sống thuần phong mỹ tục của mỗi cộng đồng dân tộc và cư dân. Và thực chất, quá trình truyền giáo đồng nhất với quá trình hội nhập văn hóa là do tính bản địa hóa và thế tục hóa của tôn giáo. Khi mỗi tôn giáo đã bám rễ và phát triển ở mỗi cộng đồng tộc người thì sớm hay muộn giai cấp thống trị cũng phải vào cuộc để điều chỉnh mọi hoạt động của xã hội, điều chỉnh xu hướng bảo vệ và phát huy những giá trị tinh thần truyền thống của mình. Hơn nữa, những hoạt động cơ bản của văn hóa là chữ viết, văn học, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và lễ hội tôn giáo sẽ góp phần bổ sung vai trò của tôn giáo trong đời sống văn hóa và ngược lại, tôn giáo cũng làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc của Đông Nam Á.

Với những phân tích, lập luận, cùng những dẫn chứng cụ thể, cuốn sách Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á đã giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình du nhập, ảnh hưởng của bốn tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo vào đời sống văn hóa Đông Nam Á cũng như mối quan hệ đặc biệt giữa tôn giáo và văn hóa. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị cho các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như cho tất cả bạn đọc quan tâm đến vấn đề tôn giáo và văn hóa.

B.T

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả