Cuốn sách "Trong chiến khu "Việt cộng"" của nhà bào Mađơlen Ríppô
Trên giá sách ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn của Bác Hồ trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch có một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp: Dans les maquis “Viet cong”, tạm dịch là: Trong chiến khu “Việt Cộng”.
Cuốn sách dày 267 trang, khổ 20 x 14cm, do Nhà xuất bản René Julliard Paris xuất bản năm 1965. Cuốn sách đã được nghiên cứu, xác định, xây dựng hồ sơ khoa học. Hồ sơ khoa học của cuốn sách đang được lưu tại Kho tư liệu phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Theo như hồ sơ khoa học, tác giả cuốn sách này là chị Mađơlen Rípphô, một đảng viên của Đảng Cộng sản Pháp, là phóng viên của báo Nhân đạo - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, đã từng đến Việt Nam nhiều lần. Những lần đến Việt Nam chị đều được gặp gỡ và “phỏng vấn” Bác Hồ. Nhưng như chị đã từng viết về Người:... “Cứ mỗi buổi sáng, tôi hy vọng làm một cuộc phỏng vấn, nhưng không sao làm được. Tôi là nhà báo mà lại bị phỏng vấn, tôi phải trả lời hàng loạt, liên tiếp những câu hỏi về miền Nam Việt Nam mà từ lâu Bác Hồ không được đặt chân đến đấy; về Đảng Cộng sản Pháp... Tôi phải cung cấp cho Người tin tức về những bạn bè cũ của Người ở Pháp và ở châu Âu...”.
Ngày 5-10-1987, trong đợt công tác tại Việt Nam, chị đã đến Khu Di tích Phủ Chủ tịch và đã giúp cán bộ của Khu Di tích xác minh cuốn sách của chị. Hôm ấy chị kể:
Chị được gặp Bác Hồ lần đầu tiên ở Hội nghị Phôngtennơblô - Pháp năm 1946. Lúc đó chị đang tập sự nghề báo tại tòa báo Chiều nay (Cesoir) và được bà Ăngđrê Viôlít - tác giả cuốn sách nổi tiếng Đông Dương kêu cứu giới thiệu chị với Bác Hồ. Lúc đó Bác Hồ bảo chị “làm nghề báo là nghề chân chính” và động viên chị: “Bây giờ cháu hãy học làm việc, học tập khi nào trở thành nhà báo, cháu hãy đến Việt Nam, Bác sẽ đón tiếp cháu như con gái của Bác”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, lần đầu tiên chị Mađơlen Rípphô đến Việt Nam để làm phóng sự về Việt Nam. Năm ấy chị cũng được gặp Bác Hồ và được Bác tiếp tại nơi ở của Người.
Cuối năm 1964, chị có dịp trở lại Hà Nội, được gặp Bác Hồ và sau đó vào miền Nam Việt Nam để trực tiếp tìm hiểu cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam Việt Nam. Chị là nữ phóng viên nước ngoài đầu tiên được đi theo cuộc chiến đấu của các chiến sĩ quân giải phóng trong các bưng biền “Việt Cộng”. Chị cho chuyến đi ấy là món quà quý, là niềm vinh dự mà Bác Hồ tặng cho chị và là sự tỏ lòng quý trọng nước Pháp, nhân dân Pháp mà Bác Hồ rất hiểu và rất yêu mến.
Không phụ lòng Bác, kết quả của chuyến đi trong các bưng biền Việt Cộng của chị, khi trở về Pháp chị đã cho ra đời tác phẩm Trong chiến khu “Việt Cộng”. Cuốn sách của chị đã được tổ chức Quốc tế các nhà báo tặng giải thưởng năm 1966.
Vào năm 1966, khi giặc Mỹ ngày càng leo thang và mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, dùng máy bay đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác, những con đê hiền lành cũng trở thành mục tiêu bắn phá của chúng. Trong hoàn cảnh đó, chị lại đến Việt Nam, suốt hai tháng 7 và 8-1966 chị đã đến khắp những nơi bị máy bay Mỹ bắn phá: Từ Hà Nội, Hải Phòng đến Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Bình... Sau chuyến đi đó chị lại có một tác phẩm nữa là Au Nord Việt Nam. Ecriet sous les bombes (tạm dịch là Ở miền Bắc Việt Nam viết dưới bom đạn). Cuốn sách cũng được xuất bản tại Pari năm 1967. Tên tuổi của chị được độc giả khắp năm châu biết đến.
Với lòng biết ơn sâu sắc và tất cả tấm lòng yêu mến đất nước Việt Nam, kính yêu Bác Hồ, chị đã gửi tặng Bác Hồ những cuốn sách viết về Việt Nam của mình.
Cuốn sách Trong chiến khu “Việt Cộng” chị gửi kính biếu Bác Hồ tháng 9-1965 với lời đề tặng, tạm dịch là: “Kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh - với sự biết ơn sâu sắc và tất cả tấm lòng yêu mến của tôi đối với Người, với Đảng và nhân dân của Người đang chiến thắng chống những tên phát xít mới.
Ký tên: M. Rípphô
Pari, tháng 9-1965”
Cũng theo lời kể của chị, cuốn sách này chị đã gửi qua đoàn Đại biểu của Đảng Lao động Việt Nam lúc đó, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu sang thăm nước Pháp. Chiều ngày 8-9-1965 đoàn đã đến thăm tòa soạn báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp. Trong buổi tiếp đoàn, chị Mađơlen Rípphô cũng có mặt. Đoàn ta đã trao quà cho tòa soạn, và nhân dịp này chị Mađơlen Rípphô đã gửi cuốn sách của mình kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ. Sau ngày đoàn về nước (ngày 23-9-1965), cuốn sách đã được gửi đến tay Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đọc và để lại bút tích ở các trang 15, 16, 229 đến 232 của cuốn sách với các dấu (/) bằng bút bi mực màu đỏ. Cách đánh dấu này của Bác, theo các nhân chứng lịch sử như đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước... có nghĩa là “chú ý”. Riêng từ trang 229 đến trang 232 còn gấp mép sách một cách chủ ý là để giở dễ dàng khi cần xem lại. Qua nội dung cuốn sách và những bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại trên sách cho thấy tình cảm chứa chan giữa tác giả cuốn sách và nhân dân miền Nam Việt Nam. Thời gian tác giả đi và viết tác phẩm này (cuối năm 1964, đầu năm 1965) là thời kỳ bắt đầu kết thúc chiến tranh cục bộ, trong hai tháng chị đã theo chân các chiến sĩ liên lạc luồn lách qua đồn bốt địch, thâm nhập khu giải phóng, theo sát các cuộc chiến đấu của bộ đội đến tận cửa ngõ Sài Gòn, chứng kiến những thắng lợi giòn giã của quân, dân miền Nam đánh trận Bình Giã, diệt và làm tê liệt những đòn phản kích của quân Mỹ, ngụy. Chị yêu mến mọi người và được mọi người yêu mến. Những trang có bút tích bằng bút bi mực màu đỏ của Bác Hồ, những trang Người đánh dấu là những trang nói đến kế hoạch Xtalây Taylo (kế hoạch Mỹ giúp Diệm bình định miền Nam trong 18 tháng) đã bị thất bại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara vạch kế hoạch nhằm bình định lấy hai tỉnh không nổi, cuộc chiến càng nóng bỏng hơn đến sát cửa ngõ Sài Gòn. Rồi phong trào đào ngũ, trốn bắt lính của binh lính Sài Gòn và thanh niên miền Nam Việt Nam. Nhiều lính Việt Nam Cộng hòa và thanh niên miền Nam trốn lính lại chạy ra vùng giải phóng và nhập vào quân giải phóng...
Cuốn sách của chị Mađơlen Rípphô được đài báo các nước tư bản lúc đó ca ngợi là viết giản dị, không thiếu những ghi chép nên thơ, đã làm sống lại trước mắt mọi người một bức tranh thực tế mà mọi người ít biết đến và duy nhất riêng chị đã tạo ra một loại hình văn học và cuối cùng chị đã thành công hoàn toàn.
Sách của chị Mađơlen Rípphô là những cuốn sách của một tác giả có tình cảm nồng nàn và chân thành với cách mạng Việt Nam, với nhân dân Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng đã góp phần xứng đáng vào việc giới thiệu rộng rãi trong dư luận Pháp và thế giới về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thức tỉnh được sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cách mạng Việt Nam.
Năm 1969, chị sang Việt Nam và lần đó chị lại được gặp Bác Hồ. Bác đã nói chuyện về hai cuốn sách của chị, Người đã tỏ ra hài lòng với những sách báo do chị viết vì nó đã tập hợp được nhiều tin tức, các nước tư bản đã phải in sách của chị. Lần gặp ấy, Bác đã không phê bình chị nữa vì lúc này chị đã nắm được nghề làm báo và Bác đã coi chị như là một chiến sĩ của đội quân tóc dài Việt Nam.
Lần được gặp Bác năm 1954, chị được Bác tặng hai tấm lụa Hà Đông. Chị đã cắt thành áo theo kiểu các cô gái Việt Nam vẫn mặc. Và mỗi lần sang thăm Việt Nam chị vẫn mặc những chiếc áo lụa Bác đã tặng chị. Ngày 5-10-1987, chị bảo chiếc áo chị đang mặc là mảnh vải cuối cùng trong hai tấm lụa Hà Đông ấy.
Lần gặp ấy tuy Bác mệt nhưng rất vui, Bác bảo năm 1969 là năm kỷ niệm ca sĩ Môrixơ Sơvaliê 80 tuổi, Bác muốn chị gửi cho Bác một đĩa hát thu những bài hát về thành phố Pari của ca sĩ này. Về nước chị đã tìm và gửi đĩa hát cho Bác. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chị nhận được một lá thư từ một phóng viên thường trực tại Việt Nam báo tin “Bác Hồ đã nhận được các đĩa hát, Bác đã nghe lại các bài hát đó một cách thích thú, Bác rất vui lòng”. Những câu chuyện này đã được chị viết trong bài báo “Bác Hồ ra đi giữa mùa thu” đăng trên báo trước ngày tổ chức Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9-9-1969).
Sự tồn tại của cuốn sách Trong chiến khu “Việt Cộng” ở vị trí vốn có của nó đã góp phần không nhỏ cho việc nghiên cứu về Bác Hồ, về Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Qua hồ sơ khoa học của cuốn sách có thể biết thêm những tình cảm của nhân dân thế giới, nhân dân Pháp, của nhà báo tài ba M. Riffaud đối với Bác Hồ và ngược lại. Cuốn sách của chị cũng góp phần cho việc nghiên cứu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của nhân dân Việt Nam, về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên “chị Tám” - cái tên thân thương mà đồng bào miền Nam gọi chị dịp chị sống cùng họ “trong bưng biền Việt Cộng”. Chị sống mãi trong trái tim những người Pháp và những người Việt Nam yêu nước. Được biết năm 2008, Tổng thống Pháp Nicôla Xáccôdi đã quyết định tặng Huân chương Quốc công hạng nhất đế cho chị. Nước Pháp tôn vinh chị và đang gấp rút hoàn thành một bộ phim tư liệu về chị - nữ nhà báo anh hùng của nhân dân Pháp.
Bài viết trích trong cuốn Chuyện kể về Bác Hồ qua các tài liệu và hiện vật
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản vào tháng 1-2017
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Hội thao chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (05/12/1945 - 05/12/2024)
- Cán bộ Nhà xuất bản đạt giải cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y