Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê)

Ngày đăng: 31/03/2017 - 08:03

quoc trieu hinh luat 123Quốc triều hình luậtLuật hình triều Lê) được xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh trong các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê sơ. Bộ luật này được vua Lê Thánh Tông ban hành vào năm 1483 trong thời gian ông lấy niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497), nên trong dân gian và trong sử sách vẫn thường gọi bộ luật này là Luật Hồng Đức.

Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, pháp luật là ý chí, là quyền lực của các thế lực, giai cấp thống trị được cụ thể hoá, thể chế hoá bằng luật. Vì vậy, pháp luật là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ràng buộc, bắt buộc mọi người, mọi giai cấp khác phải tuân thủ, phục tùng tuyệt đối, vô điều kiện ý chí, quyền lực của thế lực, giai cấp thống trị. Đồng thời, pháp luật cũng còn là một trong những công cụ chủ yếu nhất, quan trọng nhất nhằm duy trì, bảo vệ địa vị thống trị và những quyền lợi ích kỷ của giai cấp thống trị. Quốc triều hình luật cũng vậy. Cụ thể là, bộ luật này đã dành hẳn chương Vệ cấm (với 47 điều) và nhiều điều luật khác ở các chương khác nhằm bảo vệ tuyệt đối tính mạng, thân thể, quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Theo đó, tất cả những hành vi tuỳ tiện xâm phạm thái miếu, hoàng thành, cung điện,… cùng các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia, các hành vi bán ruộng đất bừa bãi, mắm muối, vật cấm và binh khí cho người nước ngoài đều được coi là vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo trung, là nằm trong các tội thập ác và bị trừng trị với những khung hình phạt rất nặng (đồ, lưu, tử hình). Ngoài ra, ở nhiều chương, nhiều điều khác trong bộ luật này quy định tất cả những hành vi, hành động vi phạm và làm nguy hại đến lễ chế “tôn quân”, “trung vua” “tam cương, ngũ thường”, trật tự đẳng cấp – tức là những chuẩn mực đạo đức Nho giáo và trật tự xã hội phong kiến theo quan điểm Nho giáo đều được coi là vi phạm nghiêm trọng địa vị, quyền lực tối thượng của nhà vua; đến lợi ích và sự tồn tại của giai cấp phong kiến, của nhà nước và chế độ phong kiến, v.v.. Và như vậy, đều được xem là vi phạm nghiêm trọng, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Quốc triều hình luật còn chứa đựng nhiều yếu tố, giá trị tích cực, tiến bộ. Trong đó, cần phải nhấn mạnh và khẳng định đến một giá trị nổi bật là, những quyền tối thiểu nhưng cơ bản của con người, đặc biệt là của người dân được thừa nhận, được tôn trọng và được bảo vệ bằng pháp luật. Những quyền ấy cùng những giá trị của nó không chỉ được thể hiện ở những tư tưởng, đường lối, chủ trương mà còn ở cả việc chỉ đạo, hướng dẫn việc thực thi bộ luật này. Tất cả đều nhằm làm cho những quyền cơ bản của con người được thực hiện có hiệu quả trong thực tế đúng theo tinh thần của Nho giáo mà các triều đại phong kiến Việt Nam lấy làm hệ tư tưởng: Dân là gốc nước, là nền tảng của chính trị và đúng như lời tuyên bố của vua Lê Thánh Tông: “Đạo lớn của đế vương” là “thương yêu dân chúng kính trời xanh”, v.v..

Trong Quốc triều hình luật khẳng định, tất cả những hành vi, hành động nào vi phạm đến quyền con người đều được coi là vi phạm pháp luật và đều bị nghiêm trị cho dù người vi phạm là ai (tất nhiên trừ nhà vua). Nhiều điều luật nhằm điều chỉnh hành vi con người trong các mối quan hệ cơ bản của con người theo tinh thần của đạo “tu thân”, “tề gia”, “tam tòng tứ đức”, “trên dưới có trật tự”, v.v., dù không tránh khỏi tính chất cứng nhắc và khắc nghiệt, nhưng rõ ràng, điều đó đã tạo ra điều kiện, tính chất hợp lý để quyền con người được tôn trọng; các quyền được chăm sóc và được nuôi dưỡng, được bảo vệ của người già cả, ốm yếu, người khó khăn, ông bà, cha mẹ, người trên được thực hiện. Theo đó, các tội bất hiếu, bất kính, bất nghĩa trong bộ luật này được xếp vào tội Thập ác và bị nghiêm trị với những hình phạt rất nặng (đồ, lưu, tử hình). Như điều 475, 503, 504,… của bộ Luật này đã ghi rõ, nếu con cháu lăng mạ, tố cáo ông bà cha mẹ, vợ tố cáo chồng (chỉ cho phép tố cáo khi ông bà, cha mẹ, chồng phạm tội mưu phản, đại nghịch) thì bị đày đi nơi xa. Điều 506 quy định, con cháu trái lời dạy bảo, không phụng dưỡng bề trên; con nuôi, con kế thất hiếu với cha nuôi, cha kế bị xử tội đồ. Hoặc nhiều điều khác cấm con dâu không được chửi mắng, đánh đập, âm mưu giết ông bà, cha mẹ chồng và các hành động đánh đập anh chị, cậu dì, ông bà cha mẹ vợ, cùng chú bác, thím cô, anh em trai, v.v.. Nếu phạm những tội này sẽ bị xử tội đồ, lưu;… (điều 476, 477, 478…). Bên cạnh đó, bộ Luật cũng đưa ra nhiều quy định cấm quan lại, những kẻ có chức quyền không được tự tiện quấy nhiễu nhân dân (các điều 304, 632,…); quan lại phải đảm bảo an ninh, an toàn cho dân (các điều 458, 645, 646, 647, 648, 648…), phải chăm sóc những người già cả, trẻ mồ côi, người tàn tật, thấp hèn… (các điều 294, 295,…), không được lợi dụng chức quyền để tham ô, chiếm đoạt tiền bạc, tài sản của dân, v.v..

Có thể thấy, Quốc triều hình luật với những điều luật của mình không chỉ nhằm bảo vệ địa vị thống trị và quyền lợi của nhà vua và giai cấp phong kiến, không chỉ duy trì và bảo vệ trật tự, kỷ cương của chế độ phong kiến, mà còn kiến tạo và duy trì một xã hội mà trong đó, những quyền cơ bản của con người, của mọi người được tôn trọng và được bảo vệ bằng pháp luật; nhiều điều luật với nhiều quy định cụ thể đã chứng tỏ nhân phẩm con người và nhiều quyền tự do khác của con người được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.

Liên quan đến quyền sống – một trong những quyền cơ bản của con người, Quốc triều hình luật đã đưa ra khá nhiều điều luật thể hiện chủ trương của nhà vua, nhà nước phong kiến cùng những quy định để hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện quyền này ở hai mặt: mọi người phải có đời sống vật chất khá đầy đủ và được sống trong môi trường văn hoá lành mạnh. Nhiều điều luật đã quy định, nhà vua, tầng lớp quan lại phải có trách nhiệm chăm lo và đảm bảo đời sống vật chất của người dân. Theo đó, tất cả những hành động tự tiện chiếm ruộng đất, của cải, tiền bạc của dân, tự tiện thu thuế và thu thuế trái quy định của dân để làm của riêng, kể cả để làm lễ vật cung phụng nhà vua, đều vi phạm pháp luật và phải bị nghiêm trị. Ngoài những quy định nhằm bảo đảm đời sống vật chất cho mọi người, Quốc triều hình luật còn có những quy định việc thực hiện quyền của con người được sống trong môi trường văn hoá lành mạnh.

Cuốn sách Quốc triều hình luật được Viện Sử học dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản là cuốn sách thể hiện tương đối đầy đủ và chính xác nội dung của bộ luật hình triều Lê - một trong những thành tựu tiêu biểu của pháp luật Việt Nam thời phong kiến. Bản dịch Quốc triều hình luật gồm 6 quyền, 13 chương, 722 điều luật. Quốc triều hình luật đã để lại nhiều giá trị và ý nghĩa tiến bộ, tích cực. Đặc biệt, nó có ý nghĩa, giá trị to lớn và là một trong những kinh nghiệm quý báu không chỉ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; trong việc hoàn thiện và chỉ đạo việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về con người, quyền con người, mà còn trong việc bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hoá nhiều đạo luật, văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay.


Bình luận