Kiểm soát quyền lực nhà nước

Ngày đăng: 03/04/2017 - 09:04


kiem soat quyen luc t3Quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Đối với mỗi nhà nước đương đại, việc xây dựng mô hình tổ chức, sử dụng và kiểm soát quyền lực nhà nước phù hợp sẽ là điều kiện để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đúng mục đích, đạt hiểu quả cao, bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho Nhân dân - chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, đây cũng chính là cơ sở để xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Cùng với sự hình thành và phát triển của các kiểu nhà nước trong lịch sử, đã có nhiều học thuyết, quan điểm và mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong điều kiện xã hội hiện đại, có thề thấy rằng: Quyền lực nhà nước phải luôn gắn với chủ quyền quốc gia, quyền lực này thuộc về Nhân dân và được thể hiện thông qua định chế nhà nước - pháp luật. Quyền lực nhà nước được biểu hiện cụ thể ở hệ thống các cơ quan, tổ chức nhà nước, các quy định pháp luật và những nguyên tắc vận hành của hệ thống đó tạo nên một cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. Cơ chế đó được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại và được cụ thể hóa tùy thuộc vào những điều kiện khách quan và chủ quan ở mỗi thời kỳ phát triển của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, sự phát triển về nhận thức lý luận đối với những giá trị phổ quát của Nhà nước pháp quyền, cấu trúc và cơ chế vận hành quyền lực nhà nước cũng có bước phát triển vượt bậc qua các kỳ Đại hội Đảng, qua các bản Hiến pháp. Và thành tựu rực rỡ đã được ghi nhận và biểu hiện một cách sinh động nhất qua các quy định của Hiến pháp năm 2013, bằng quy định tại Điều 2: "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Cuốn sách Kiểm soát quyền lực nhà nước của GS. TS. Nguyễn Đăng Dung tổng hợp, hệ thống những quan điểm, nội dung mà tác giả đã dày công nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi trên các diễn đàn về vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước (ở đây tác giả chủ yếu tập trung ở mô hình các nhà nước tư bản hiện đại). Cuốn sách gồm hai phần:
Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận của sự kiểm soát quyền lực nhà nước
Phần thứ hai: Nội dung, hình thức và công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước.
Với kết cấu 3 chương, ở phần thứ nhất Cơ sở lý luận của sự kiểm soát quyền lực nhà nước, tác giả tập trung phân tích làm rõ: Tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước? Lý thuyết nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp, Hiến pháp - công cụ để kiểm soát quyền lực của nhà nước.
Kiểm soát quyền lực nhà nước gắn liền với sự xuất hiện của nhà nước. Kiểm soát chính quyền là nhu cầu tự nhiên của loài người. Khi loài người chưa biết đến hiến pháp thì loài người cũng đã có cách thức để tiết chế chính quyền. Ví dụ như đạo đức, chế độ tự trị của các địa phương... Những kiểm soát quyền lực của nhà nước trong chế độ phong kiến gắn liền với quan niệm nhà Vua coi dân là gốc, hoặc nhà Vua coi dân như con đẻ. Quan niệm nhu thế cho dù là hiếm đi chăng nữa cũng góp phần phần kiểm soát những quyền lực vô hạn của nhà Vua đại diện cho nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Bên cạnh việc quan niệm nói trên, nhà nước phong kiến Việt Nam trong lịch sử cũng bị kiểm soát quyền lực nhà nước phong kiến trung ương của Việt Nam thời bấy giờ không nhằm vào mục tiêu bảo vệ nhân quyền, mà lại nhằm bảo vệ chế độ tự trị làng xã của bọn cường hào, ác bá ở xã, thôn.
Để phát triển và tồn tại, con người phải rất cần đến nhà nước. Nhưng một khi cần đến nhà nước phải nghĩ đến cách kiểm soát nhà nước vì nhà nước do con người điều khiển. Con người của chúng ta bên cạnh những đức tính sáng tạo, chăm chỉ còn chứa đựng cả những đức tính lười nhác, tùy tiện, tính tham lam, tính ỷ lại, tính dựa dẫm vào những người khác, nhất là tính cách đam mê quyền lực. Vì vậy, khi một người nào đó được giao quyền lực nhà nước nếu như không có những biện pháp kiểm soát quyền lực sẽ gây nên hậu quả kém của nhà nước do lạm dụng quyền lực.
Sự kiểm soát quyền lực nhà nước có rất nhiều hình thức thực hiện. Căn cứ vào sự biểu hiện có thể phân chia thành hai loại cơ bản kiểm soát quyền lực nhà nước: Sự kiểm soát quyền lực bên trong và sự kiểm soát bên ngoài.
Sự kiểm soát bên trong là sự kiểm soát có tính chất mặc nhiên, có tính chất phòng ngừa kể cả người đảm nhiệm tốt lẫn xấu các công việc nhà nước cũng phải gánh chịu. Cách thức thực thi kiểm soát quyền lực nhà nước dựa vào nguyên tắc phân quyền. Mọi chủ thể đảm nhiệm các công việc nhà nước cứ đến ranh giới quyền hạn được vạch ra thì phải dừng lại.
Kiểm soát quyền lực bên ngoài là những kiểm soát có tính chất sửa sai, chữa bệnh, khi những hành vi của các cơ quan nhà nước vượt ra khỏi sự phòng ngừa, cần phải chấn chỉnh lại… Hình thức và công cụ kiểm soát quyền lực bên ngoài rất đa dạng, nhiều khi chúng đan xen lẫn nhau.
Vì những lẽ đó việc phải quy định những kiểm soát của quyền lực nhà nước như là một quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, một khi mà xã hội cần đến nhà nước. Sự hiện diện của những quy định trong hiến pháp nhằm mục đích kiểm soát hay là kiểm soát quyền lực nhà nước là dấu hiệu của dân chủ, của tiến bộ xã hội. Có như vậy mới thể hiện được bản tính sâu sắc nhất của nhà nước.
Nội dung, hình thức và công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước lần lượt được tác giả trình bày tại 6 chương trong Phần II của cuốn sách
Bảo đảm nhân quyền không bị vi phạm - Quyền con người được quy định và bảo đảm trong Hiến pháp “…mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Quyền con người là những quyền cơ bản nhất của con người, có một cách tự nhiên, gắn bó mật thiết với con người – cơ sở để nhà nước thành lập với một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mình là phải bảo vệ những quyền đó. Vậy bảo đảm nhân quyền không bị vi phạm là một nội dung được biểu hiện của kiểm soát quyền lực nhà nước; Bảo đảm nhân quyền vừa là mục đích vừa là cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước của Hiến pháp.
Kiểm soát quyền lực nhà nước còn được thể hiện khi các chức danh quan trọng của Nhà nước phải được bầu cử và với một nhiệm kỳ nhất định. Đây là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Bầu cử không chỉ đơn giản là biện pháp Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về mình bằng cách lựa chọn thông qua lá phiếu những người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, mà còn là hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong số những nội dung và biện pháp kiểm soát quyền lực nhà nước, bầu cử có một vị trí quan trọng.
Quyền lực nhà nước được kiểm soát bằng việc phân chia, phân công, phân nhiệm và tự kiểm tra bên trong theo cơ chế kiềm chế và đối trọng. Muốn có một nhà nước kiểm soát quyền lực với mục đích chống lại sự độc tài chuyên chế, thì trước hết quyền lực nhà nước không được tập trung, mà phải phân ra. Cơ chế lập hiến kinh điển có thể kiểm những thay đổi thường xuyên của quyền lực nhà nước qua việc phân quyền lực đó thành các quyền lực theo chiều ngang và chiều dọc. Sự phân lập các quyền lực không những làm tăng sự chuyên nghiệp, mà còn cho phép ổn định hoạt động của nhà nước.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn đề cập đến vai trò của Chính phủ trong việc chịu trách nhiệm tiêu điểm của kiểm soát nhà nước từ bên trong; hay những phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài như thông qua hoạt động tự do báo chí, sự công khai và minh bạch của chính quyền; hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội là thành viên. Đồng thời, công cụ cuối cùng tác giả giới thiệu đến bạn đọc trong việc kiểm soát quyền lực của nhà nước - đó là tòa án.
Với những nội dung được tổng quát ở trên chúng ta có thể nhận thấy rằng, nhà nước là một thiết chế rất cần cho xã hội, nhưng nhà nước cần phải được kiểm soát quyền lực. Sự kiểm soát như là một điều kiện khách quan kèm theo không thể thiếu được của nhà nước, một khi nhà nước xuất hiện. Sở dĩ có hiện tượng khách quan này là vì so với thiết chế khác với ưu thế của mình, nhà nước là một chủ thể nguy hiểm cho việc lạm quyền khi có quyền lực nhà nước mà vi phạm nhân quyền của con người, cùng với việc cản trở sự an toàn và phát triển thịnh vượng quốc gia.
Ở Việt Nam, nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước do Nhân dân làm chủ, toàn bộ quyền lực của Nhà nước xã hội chủ nghĩa thuộc về Nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan nhà nước được Nhân dân uỷ quyền sẽ thay mặt Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước để điều hành, quản lý xã hội. Vì vậy, làm thế nào để dùng cơ chế kiểm soát hữu hiệu làm cho quyền lực Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm thiết thực, thực hiện nguyên tắc "quyền lực do Nhân dân sử dụng lợi ích do Nhân dân mưu cầu" ngăn chặn hiệu quả nguy cơ tham nhũng, lãng phí, lạm quyền,... tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một trong những vấn đề có tính bức thiết đang đặt ra hiện nay.
Có thể nói, với việc nghiên cứu học thuyết và mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước của một số nước dân chủ, pháp quyền trên thế giới để từ đó rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam của tác giả là việc làm rất có ý nghĩa. Vì vậy, cuốn sách sẽ là tài liệu chuyên khảo sâu dùng cho sinh viên đại học, cao học, nghiên cứu sinh ngành Luật học và các ngành khoa học xã hội khác trong việc nghiên cứu vấn đề này.

Bình luận