Bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á

Ngày đăng: 31/07/2017 - 09:07

bon ton giao 1072017Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, ra đời và phát triển hàng ngàn năm nay. Trong quá trình tồn tại và phát triển, dù chủ ý hay tự nhiên, tôn giáo đã tác động khá sâu sắc và toàn diện đến đời sống xã hội của nhiều quốc gia, dân tộc, trong đó phải kể đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á, nơi hội tụ bức tranh tôn giáo nhiều màu sắc. Cuốn sách Bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á của tác giả Trương Sỹ Hùng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về quá trình hình thành, hội nhập và phát triển của bốn tôn giáo lớn (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo) ở khu vực Đông Nam Á.

Cuốn sách dày hơn 200 trang với sự nghiên cứu tỉ mỉ, công phu, tập trung tìm hiểu quá trình xâm nhập, phương thức tồn tại và tình hình phát triển của bốn tôn giáo lớn ở một số nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Mianma, Lào, Campuchia, Malaixia, Philíppin, Việt Nam; đồng thời phân tích mối quan hệ giữa hiện tượng truyền giáo và bản chất thế tục hóa trong môi trường của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á trên một số lĩnh vực tiêu biểu như ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc,… từ đó góp phần làm sáng tỏ những biến đổi của văn hóa bản địa qua từng giai đoạn lịch sử cũng như cho thấy các tôn giáo lớn hòa nhập được vào ý thức hệ văn hóa Đông Nam Á từ rất sớm là nhờ các tín ngưỡng bản địa của các cộng đồng cư dân vốn đã phong phú, đa dạng.

Nội dung cuốn sách sẽ giúp cho độc giả hiểu rõ hơn quá trình hình thành, phát triển, sự suy thịnh và ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhau đến đời sống văn hóa của Đông Nam Á. Từ đó cho thấy tình hình phát triển của mỗi tôn giáo trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á cũng có những khác biệt cụ thể ở từng vương quốc. Bằng cách trình bày khách quan quá trình hội nhập và phương thức tồn tại của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo), cuốn sách đi sâu phân tích quá trình hội nhập của mỗi loại hình tôn giáo vào các nước trong khu vực. Thông qua cuốn sách, tác giả đã ngầm lý giải và cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa tôn giáo và văn hóa, văn hóa là một hệ thống được tạo thành bởi nhiều thành tố khác nhau như ngôn ngữ, văn chương, kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo… Trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hoá có sự tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội. Tại mỗi vùng đất, điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội lại có sự khác biệt dẫn đến sự phát triển của văn hoá cũng có sự khác nhau. Và quá trình truyền giáo của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo) đã làm thay đổi bản chất văn hóa của bộ phận lớn cư dân qua các thời đại.

Với cách nhìn khách quan về quá trình hội nhập và phương thức tồn tại của bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á, cuốn sách đã cho độc giả thấy một bức tranh tôn giáo đa dạng, muôn màu, bởi trong quá trình phát triển, ở đây đã hội tụ đầy đủ các hệ ý thức tư tưởng từ cả phương Đông và phương Tây. Khi trải qua giai đoạn truyền giáo, mỗi loại hình tôn giáo ở từng địa phương cụ thể lại thế tục hóa, bản địa hóa để tạo ra một diện mạo mới cho phù hợp với đời sống văn hóa ở quê hương mới. Bốn tôn giáo này ra đời vào thời gian và địa điểm khác nhau, mỗi tôn giáo đều có một tín ngưỡng riêng nhưng nhìn chung đều hướng con người đến cái thiện. Trải qua quá trình thâm nhập, tồn tại và phát triển, tôn giáo cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của con người.

Cuốn sách Bốn tôn giáo lớn ở Đông Nam Á là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều thông tin và đáng trân trọng. Với lối viết hệ thống, khoa học, tác giả sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát để hiểu rõ hơn về một bức tranh tôn giáo sinh động và đa dạng của khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị dành tặng các nhà nghiên cứu, các học giả, các nhà quản lý, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo và tất cả những ai quan tâm.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả