Tính dân tộc qua cuốn sách "Truyện trạng Đông Nam Á"
Truyện trạng là một loại hình văn học dân gian đặc sắc, khá độc đáo của một số nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Qua nhiều thế hệ, truyện trạng vẫn luôn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bởi sự thông minh, tài trí của các nhân vật trạng do nhân dân bao đời sáng tạo nên, nhằm phản ánh khát vọng về người tài giỏi có thể làm xã hội trở nên công bằng, lẽ phải được xiển dương, áp bức bị lên án và đánh bại. Những câu chuyện về Trạng Quỳnh, Trạng Lợn hẳn đã rất đỗi quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, nay được tập hợp một cách hệ thống, cùng với các nhân vật trạng Xiêng Miệng của văn học dân gian Lào, Th’mênh Chây của văn học dân gian Campuchia, trong cuốn sách Truyện trạng Đông Nam Á của tác giả Trương Sỹ Hùng. Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành.
Truyện trạng thường có lối văn phong giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, nghệ thuật tạo tình huống gay cấn, hàm chứa những giá trị giáo dục thẩm mỹ cao, phản ánh đa chiều lịch sử văn hóa của cộng đồng cư dân đa số ở Đông Nam Á. Đây là những nước nằm trong khu vực có lịch sử văn hóa lâu đời, rất đa dạng và phong phú, có những nét độc đáo riêng, nhưng cũng có nét tương đồng, gần gũi. Những câu chuyện về trạng của các dân tộc này thường đề cập đến đấu tranh xã hội của nhân vật trạng, đó là sự đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Hình ảnh những “ông trạng nhân dân” được xây dựng không chỉ để giải trí, gây cười mà còn phản ánh đời sống của nhân dân, châm biếm, phê phán những thói hư, tật xấu của con người, đấu tranh chống lại giai cấp thống trị thời phong kiến1.
Cuốn sách Truyện trạng Đông Nam Á tập hợp những truyện trạng tiêu biểu của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được chia làm ba phần chính gắn với những câu chuyện trạng mang đặc trưng văn hóa của mỗi nước.
Phần thứ nhất, Xiêng Miệng - Truyện trạng dân gian Lào, gồm 34 truyện kể lại những trận đấu trí linh hoạt, thông minh giữa một chú tiểu tên là Xiêng Miệng với bọn vua quan phong kiến. Cuộc đời của Xiêng Miệng kết thúc bằng cái chết nhuốm màu sắc bi kịch. Cái chết ấy, một mặt có ý nghĩa tố cáo, nhưng mặt khác cũng
Phần thứ hai, Th’mênh Chây - Truyện trạng dân gian Campuchia, gồm 34 truyện xoay quanh nội dung “đối nội” giữa chúa Sétthây với Th’mênh Chây. Anh chàng Th’mênh Chây khi đi ở cho tên nhà giàu đã chơi xỏ chủ bằng chính những lời nói của chủ, khi bị nhà vua thử tài và đày đọa đã ứng phó tài tình nhanh trí, nhiều khi quật lại rất đau và khi đấu trí với sứ giả Trung Quốc đều thắng cuộc. “Cuộc đấu trí kéo dài ngay từ khi nhân vật Trạng lên bảy tuổi cho đến lúc trưởng thành khôn lớn. Trong tổng số 34 mẩu truyện tương đối liên hoàn về Th’mênh Chây, có 6 truyện dành cho Sétthây. Sétthây chỉ là viên quan nhỏ nên cũng chỉ được “nếm đòn” ở cấp độ bẽ mặt ông chủ ở chốn “quan trường” 2.
Phần thứ ba, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn - Truyện trạng dân gian Việt Nam, gồm 53 truyện, trong đó có 37 mẩu truyện về Trạng Quỳnh, 16 mẩu truyện về Trạng Lợn. 53 truyện tạo nên một bức tranh chân thực về xã hội Việt Nam đang trên đà mục nát, suy vong. Trạng Quỳnh, Trạng Lợn đã thay mặt nhân dân lao động làm một cuộc "khởi nghĩa" bằng tiếng cười để từ giã chế độ phong kiến suy tàn một cách hài hước nhất, đồng thời thể hiện tài năng, sự thông minh, dí dỏm của người dân lao động nước ta, vừa đậm đà màu sắc dân gian, lại vừa giàu chất bác học trong đó. Từ việc trình bày trên, có thể nói: tính cách nhân vật trạng là biểu tượng về tính cách của dân tộc. Chỉ cần đọc hay nghe kể xâu chuỗi liên kết truyện Trạng Quỳnh, Xiêng Miệng, Th mênh Chây một lượt, ta dễ dàng nhận thấy sự đa dạng, phong phú của nhiều mảng hiện thực được chọn lọc theo một phong cách riêng, hóa thân theo từng lối sống, nếp nghĩ và nghệ thuật ứng xử của từng tộc người.
Một trong những điểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn của cuốn sách Truyện trạng Đông Nam Á đó là, nếu phải chia tác phẩm theo cấu trúc tầng lớp ngang để nghiên cứu thì mẩu truyện nào cũng ngắn gọn như một truyện cười hay ngụ ngôn. Chính do cách liên kết lỏng lẻo này, truyện Trạng Quỳnh, Xiêng Miệng, Th’mênh Chây đã giữ lại tính “đại đồng tiểu dị” và lưu truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân3. Có thể nói, truyện trạng, ở bình diện kết cấu hình tượng nghệ thuật - cái để tạo nên thông điệp cho tác phẩm, đã thể hiện một quan niệm ngầm ẩn: lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
Chính yếu tố hình thức nghệ thuật (tính truyền miệng, ngôn từ từ nhân dân, sử dụng ca dao tục ngữ…) đã giúp Truyện trạng Đông Nam Á có thể trở thành cuốn “cẩm nang”, đã trụ vững vị trí và trở thành tiềm thức ứng xử văn hóa, trong đời sống sinh hoạt và trong những trang sách giáo khoa nơi trường học. Mặc dù, các nhân vật trạng có thể là nhân vật có thật hoặc có thể là sản phẩm tinh thần được nhân dân sáng tạo nên nhưng đó là biểu trưng cho trí tuệ, tinh thần phê phán, tinh thần phản kháng quyết liệt của nhân dân lao động với giai cấp thống trị đương thời. Với ý nghĩa nhân văn đó, cuốn sách Truyện trạng Đông Nam Á là tác phẩm quan trọng, nội dung giá trị của cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay.
Chú thích
1,2,3. Trương Sỹ Hùng: Truyện trạng Đông Nam Á, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 5,11,14.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đoàn công tác Nhà xuất bản làm việc tại tỉnh Hà Giang
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham gia Hội chợ sách Xuân 2025
- Công đoàn Khối thi đua số VII tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa phóng viên các cơ quan báo chí và Nhà xuất bản trong công tác truyền thông
- Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2024
- Tọa đàm khoa học “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”
- Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”
- Gặp mặt cán bộ hưu trí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025
- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật công bố các quyết định mới về công tác tổ chức và cán bộ theo Quyết định số 223-QĐ/TW
- Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Cuốn sách truyền cảm hứng cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa
- Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025