Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội

Ngày đăng: 07/12/2017 - 08:12

XAY DUNG 122017Xây dựng xã hội học tập là một yêu cầu cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước ta; đồng thời, là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của nền kinh tế tri thức ở Việt Nam. Để giúp bạn đọc nói chung, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đội ngũ doanh nhân nói riêng có thêm tài liệu tham khảo về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội của các tác giả Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald do Nhà xuất bản Đại học Columbia ấn hành năm 2015.

Cuốn sách Xây dựng xã hội học tập: Cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội nhằm bày tỏ sự trân trọng của các tác giả đến một trong những nhà kinh tế học vĩ đại bậc nhất trên thế giới - Kenneth J. Arrow. Ông là một trong những cựu sinh viên xuất sắc nhất của Đại học Colombia, là “người khổng lồ” trong lĩnh vực kinh tế, khoa học chính trị, lý thuyết tổ chức và nghiên cứu hoạt động. Nhận định về những đóng góp của Arrow trong vấn đề “xây dựng xã hội học tập”, các tác giả viết: “Công trình của Arrow đã mở cánh cửa cho phần chính yếu đồ sộ của sự phân tích mới mẻ về việc làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế và xã hội học tập - và chính phủ có thể và nên can thiệp như thế nào để cải thiện hạnh phúc xã hội” (tr.26).

So với phiên bản gốc được ấn hành năm 2014, ấn bản dành cho độc giả này được viết ngắn gọn hơn, tập trung vào những lý thuyết cốt lõi và các chính sách chủ yếu để xây dựng một xã hội học tập. Nội dung cuốn sách gồm hai phần:

Phần thứ nhất: “Xây dựng xã hội học tập”, gồm 8 chương: Nêu bật tầm quan trọng của việc học tập, về cách các doanh nghiệp học tập và phát minh, về cấu trúc thị trường - nơi các doanh nghiệp đang hoạt động tác động như thế nào đến khả năng học tập và sáng tạo của doanh nghiệp, và kết thúc với đánh giá phúc lợi và trạng thái ổn định của toàn bộ nền kinh tế.

Phần thứ hai: “Những chính sách cho một xã hội học tập”, gồm 6 chương bàn về các giải pháp cho một xã hội học tập. Các tác giả đưa ra các chính sách ở nhiều lĩnh vực để xây dựng thành công một xã hội học tập năng động từ các chính sách phát triển ngành, chính sách về tài chính, chính sách vĩ mô cho đến các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển đổi xã hội.

Quan điểm “xã hội học tập” đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác về các chiến lược tăng trưởng và phát triển từ một vài khía cạnh trong tiếp cận tân cổ điển tiêu chuẩn. Việc tạo ra một xã hội học tập năng động cần phải được tiến hành ở nhiều mức độ: các cá nhân cần phải có đủ tư duy, kỹ năng và động lực để học tập. Phạm vi, mức độ thích ứng và tốc độ truyền tải của kiến thức là một trong những đặc điểm chính của một xã hội học tập: thứ giúp cho các kiến thức mới thúc đẩy các tư duy mới chính là những chất xúc tác cũng như đầu vào từ những ý tưởng và sáng tạo mới mẻ vẫn đang không ngừng xuất hiện. Và nếu như vậy thì các quốc gia đều có thể gia tăng tốc độ tăng trưởng của mình (dù không phải mãi mãi thì ít nhất cũng phải trong một thời gian dài) vượt xa những quốc gia từng cải tiến hiệu quả phân bổ, thậm chí là cả những quốc gia dựa vào việc gia tăng mức tiết kiệm. Việc mà họ cần làm chính là tạo ra một xã hội học tập.

"Xây dựng xã hội học tập nên là mục tiêu chính của chính sách kinh tế” (tr.30). Trên cơ sở đó, việc tìm hiểu cách thức để tạo ra một xã hội học tập phải được coi là một trong những mối bận tâm chính của các nhà kinh tế học và các nhà nghiên cứu xã hội khác. Cuốn sách này được viết với mục đích trình bày khung đơn giản nhất để tìm hiểu một vài yếu tố then chốt quyết định tới tiến độ phát triển của nền kinh tế, như các tác giả chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng những hiểu biết mà cuốn sách này mang lại sẽ giúp các quốc gia nghèo hơn sử dụng các chính sách mới có hiệu quả để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế cho đất nước mình (tr.36)… Các chính sách có thể giúp xây dựng một nền kinh tế học tập và một xã hội học tập đã được đề cập sẽ định hình không chỉ nền kinh tế, mà còn cả xã hội ở phạm vi sâu rộng hơn, vì một sự phát triển tốt đẹp, nâng cao hơn nữa mức sống của con người, ở hiện tại và trong tương lai” (tr.501).

Ngày nay, Việt Nam đang trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, việc xây dựng một xã hội học tập thực sự là cách tiếp cận tăng trưởng và tiến bộ xã hội hết sức cần thiết mà Đảng và Nhà nước ta cần chú trọng, đẩy mạnh để phát triển đất nước.

Phạm Hương

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả