Vai trò của mặt trận ngoại giao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Năm 1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, quân và dân ta đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm thay đổi căn bản cục diện chiến trường. Trong thời điểm bước ngoặt quyết định ấy, mặt trận ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ và tạo thế cho tiến công quân sự, đồng thời, phát huy kết quả giành được trên chiến trường để đấu tranh đạt tới những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn hơn.
Ngoại giao tạo thế cho tổng tiến công và nổi dậy
Vào năm 1965, trước thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt", Mỹ chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh cùng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, quân và dân ta kiên quyết đấu tranh, từng bước làm thất bại các hành động xâm lược, mà quan trọng và trực tiếp nhất là đập tan hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ - chính quyền Sài Gòn trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967.
Việc leo thang chiến tranh tại Việt Nam, nhất là hoạt động ném bom đánh phá miền Bắc, tàn phá và gây rất nhiều tổn thất cho thường dân, đã khiến nhân dân tiến bộ thế giới ngày càng quan ngại. Chính phủ nhiều nước, nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đã yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh, kêu gọi các bên liên quan đi vào đàm phán tìm giải pháp chính trị, ngoại giao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Canađa, Tổng thống Pháp... bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải, đề nghị Mỹ tôn trọng độc lập, thống nhất của Việt Nam, sớm đi vào thương lượng hòa bình. Trong bối cảnh đó, chính quyền Giônxơn đã tiến hành một đợt vận động ngoại giao lớn chưa từng có, cử các đặc phái viên đi hơn 40 nước, gửi thư cho nguyên thủ của hơn 100 quốc gia[1] và nhiều động thái khác nhằm thuyết phục, biện minh cho hành động xâm lược.
Trước tình hình trên, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 13 (1-1967) nhất trí đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chỉ rõ đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. "Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động"[2]. Về nhiệm vụ cụ thể, mặt trận ngoại giao có nhiệm vụ đề cao lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[3] và tuyên bố 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam[4], tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ của các nước anh em, nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 28-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nêu rõ lập trường của ta: "... Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống lại miền Bắc Việt Nam. Chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ có thể nói chuyện"[5]. Quan điểm của chính quyền Tổng thống Giônxơn vẫn là đàm phán có điều kiện ("có đi, có lại"), tức là Mỹ sẽ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam nếu việc đó không bị lợi dụng và nhanh chóng dẫn tới các cuộc thảo luận có hiệu quả.
Cuối năm 1967, ngoại giao Việt Nam đi thêm một nước cờ quyết đoán hơn, phát huy mạnh mẽ thế chủ động. Ngày 29-12-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố: "Sau khi Hoa Kỳ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ nói chuyện với Mỹ về những vấn đề có liên quan"[6]. Nội dung tuyên bố này cơ bản giống với tuyên bố ngày 28-1-1967, nhưng đã chuyển từ "có thể nói chuyện" sang dứt khoát "sẽ nói chuyện".
Việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động nêu khả năng đàm phán hòa bình là một chiến lược ngoại giao đúng đắn và đúng thời điểm, được đông đảo dư luận quốc tế ủng hộ. Việc ta gắn thương lượng với việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc cũng làm đậm thêm tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân ta, đồng thời làm rõ hành động vi phạm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được quốc tế công nhận tại Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Các nước xã hội chủ nghĩa, phần lớn các nước Không liên kết, các phong trào hòa bình, thậm chí một số nước phương Tây (Na Uy, Thụy Điển...) đều lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ tuyên bố của ta, tạo sức ép quốc tế rất lớn yêu cầu Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải có giải pháp kết thúc chiến tranh.
Mặt khác, việc ta đưa ra tuyên bố quan trọng như trên ngay trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 khiến đối phương có phần chủ quan, cho rằng Việt Nam đã yếu thế, buộc phải "xuống nước", từ đó đánh giá thấp khả năng ta tiến hành "đánh lớn". Như vậy, mặt trận ngoại giao đã góp phần quan trọng, mở rộng mặt trận nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta; đồng thời, bảo đảm yếu tố bí mật cả ở cấp chiến lược và chiến thuật, qua đó giữ được thế chủ động chiến trường khi bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
Mặt trận ngoại giao - sức mạnh cộng hưởng cho thắng lợi trên chiến trường
Trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, mặt trận ngoại giao liên tục triển khai các mũi tiến công để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè và dư luận thế giới. Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với lãnh đạo và nhiều tầng lớp xã hội để làm rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam ngày càng dâng cao. Hàng ngàn cuộc míttinh, biểu tình, tuần hành "Vì Việt Nam" đã diễn ra tại nhiều thủ đô lớn trên thế giới. Sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ và bè bạn quốc tế là nguồn cổ vũ, động viên vô giá đối với cán bộ, chiến sĩ ta, góp phần tạo ra niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp chính nghĩa và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.
Một nhiệm vụ rất quan trọng của mặt trận đối ngoại thời điểm này là cần phát huy mạnh mẽ các hình thức hoạt động để tranh thủ sự ủng hộ ngay trong lòng nước Mỹ, thông qua các phong trào phản chiến của chính các tầng lớp nhân dân Mỹ. Các đề xuất đàm phán, tính chính nghĩa và thái độ tích cực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, nhất là tại các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế... đặt dấu chấm hết cho những ảo tưởng về "chiến thắng" của Mỹ tại Việt Nam, khiến phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ dâng cao hơn bao giờ hết. Ta cũng khéo léo triển khai các biện pháp như mời một số nhà báo, phóng viên Mỹ vào miền Bắc để tận mắt chứng kiến và đưa tin trung thực, khách quan về sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn đối với dân thường Việt Nam. Chính những tin tức, hình ảnh, bài viết của các nhà báo đã tạo ra sức mạnh cộng hưởng, tiếp thêm động lực cho các phong trào phản chiến diễn ra ngày càng rầm rộ, sục sôi, quyết liệt với sự tham gia của hàng chục ngàn trí thức, sinh viên và các giới tại nhiều thành phố lớn tại Mỹ. Hàng vạn thanh niên Mỹ chống quân dịch. Ngày càng có nhiều nghị sĩ Mỹ đòi chính quyền Mỹ chấm dứt ngay chiến tranh tại Việt Nam và đi vào thương lượng thực chất. Tỷ lệ ủng hộ đường lối tiến hành chiến tranh của chính quyền Giônxơn giảm sút nghiêm trọng. Những cuộc bỏ phiếu thăm dò cho thấy phần đông công chúng "có niềm tin vững chắc rằng Mỹ đã sa lầy một cách vô vọng cùng với nỗi nghi ngờ ngày càng tăng đối với khả năng Giônxơn phá thế bế tắc"[7]. Còn nhà sử học Mỹ G. Côncô khẳng định: chính quyền phải đương đầu với một tình hình chưa từng có, "sự nhất trí về chính sách đối ngoại giữa cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp và công chúng bị sụp đổ hoàn toàn"[8]. Khai thác mâu thuẫn nội bộ Mỹ, ngoại giao ta đã phát huy được thế chính nghĩa, thế thắng của nhân dân ta, đóng góp quyết định trong việc hình thành mặt trân nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, thực sự kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Mặt trận ngoại giao cũng đã thành công trong việc tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ và sự giúp đỡ chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong giai đoạn các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế có những khó khăn, Trung ương Đảng đã rất sáng suốt, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì trao đổi, tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn bè. Sự trao đổi chân thành, kiên định, ở cấp cao đã giúp ta tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, cả về tinh thần và vật chất, nhất là trong thời gian ta đang tập trung nhân lực, vật lực cho tổng tiến công.
Góp phần củng cố thắng lợi trên chiến trường
Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 còn là kết quả của sự kết hợp tài tình mang tính chiến lược giữa thắng lợi trên chiến trường và mặt trận ngoại giao.
Thứ nhất, mặt trận ngoại giao đã nắm bắt kịp thời, hiệu quả thắng lợi chiến lược của đợt 1 tổng tiến công để buộc Mỹ đi vào đàm phán trên cơ sở có lợi cho ta. Đêm ngày 30 rạng ngày 31-1-1968 (đúng vào dịp Tết Mậu Thân), các lực lượng vũ trang ta đã đồng loạt tiến công địch trên toàn chiến trường miền Nam, đánh thẳng vào rất nhiều cơ sở đầu não của địch ở Sài Gòn, Huế và nhiều thành phố, thị xã. Đợt 1 của Tổng tiến công đã giáng đòn "choáng váng", buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn, ngày 31-3-1968, phải tuyên bố đơn phương ngừng ném bom khu vực bắc vĩ tuyến 20, "sẵn sàng tiến tới hòa bình thông qua thương lượng" và sẽ cử đại diện Mỹ đến bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào. Tuyên bố này của Giônxơn chính là sự thừa nhận thất bại trong leo thang chiến tranh ở miền Bắc và "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, đồng thời cũng là kết quả của quá trình đấu tranh ngoại giao vừa mềm dẻo nhưng hết sức cương quyết trong việc buộc Mỹ đi vào đàm phán theo những điều kiện có lợi cho ta.
Mặc dù đề nghị của Mỹ chưa đáp ứng yêu cầu hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc, nhưng ta đã quyết định nắm lấy cơ hội mở ra đàm phán trực tiếp với Mỹ để kiềm chế, kéo Mỹ vừa đàm phán vừa xuống thang chiến tranh; đồng thời giương cao ngọn cờ chính nghĩa, thiện chí đàm phán, tranh thủ dư luận và bạn bè quốc tế, trước mắt là hỗ trợ các đợt tiếp theo của Tổng tiến công, chia lửa với chiến trường. Ngày 3-4-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện. Tuyên bố này của ta thực sự gây bất ngờ đối với phía Mỹ, bởi trong chính giới Oasinhtơn nhiều nhân vật có ảnh hưởng chính trị chưa nghĩ tới khả năng đàm phán khi chiến trường còn đang diễn biến quyết liệt. Dư luận chung nhìn nhận đây thực sự là cơ hội để dẫn đến hòa bình, thúc giục Tổng thống Giônxơn cam kết giữ đúng lời tuyên bố ngày 31-3-1968. Chính quyền Mỹ tỏ ra lúng túng, tranh thủ điều kiện mới, ta tiếp tục tiến công về ngoại giao, yêu cầu Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, chứ không chỉ ngừng từ phía bắc vĩ tuyến 20 trở ra, đồng thời phối hợp với quân và dân ta trên chiến trường để bắt đầu hình thành cục diện đánh - đàm.
Thứ hai, ngoại giao đã tạo sức ép quốc tế đối với Mỹ, nêu cao chính nghĩa để tranh thủ ủng hộ quốc tế đối với cuộc Tổng tiến công. Trong suốt đợt 1, các cơ quan ngoại giao và thông tấn của ta thường xuyên tiếp xúc, đưa tin đề cao lập trường chính nghĩa của ta. Từ tháng 5-1968, ta chính thức mở đàm phán với Mỹ tại Pari, nơi có sự hiện diện đông đảo của giới ngoại giao và báo chí quốc tế để có thể khuếch trương thắng lợi và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Suốt thời gian diễn ra đợt 2 và đợt 3 của tổng tiến công, tại bàn đàm phán, ta kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ xuống thang chiến tranh ở miền Nam, chấm dứt hoàn toàn ném bom không điều kiện miền Bắc; đồng thời, kiên quyết bác bỏ các đề xuất không hợp lý của Mỹ về quân sự như: khôi phục khu phi quân sự, không bắn pháo vào các thành phố lớn, không tăng chi viện cho miền Nam. Như vậy, thành công của đấu tranh ngoại giao đã trực tiếp đóng góp cho các thắng lợi trên chiến trường.
Thứ ba, mặt trận ngoại giao đã phát huy thành quả trên chiến trường để buộc Mỹ chính thức xuống thang chiến tranh, công nhận địa vị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để tiến tới ký kết Hiệp định Pari lịch sử tháng 1-1973. Trong suốt quá trình thương lượng từ tháng 5 đến tháng 10-1968, ta đã kiên trì yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc để thay đổi cục diện chiến lược của chiến tranh, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc, đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Đến ngày 1-11-1968, Mỹ đã tuyên bố chấp nhận ngừng ném bom toàn miền Bắc, chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán bốn bên[9]. Qua kênh đàm phán tại Pari, Mỹ đã thông báo trước cho ta về nội dung này. Ngày 2-11-1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố: Để đi đến một giải pháp chính trị đúng đắn về Việt Nam thì Chính phủ Mỹ phải từ bỏ âm mưu can thiệp và xâm lược đối với Việt Nam.
Việc ta quyết định chấp nhận đàm phán bốn bên đồng thời vẫn duy trì kênh đàm phán trực tiếp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mỹ đã góp phần "trói chân" Mỹ vào đàm phán Pari, phát huy thành quả to lớn của Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chính quyền R. Níchxơn mới thắng cử sẽ có điều chỉnh chiến lược đối với chiến tranh tại Việt Nam, song không thể từ bỏ đàm phán. Việc ta buộc Mỹ chấp nhận vai trò của Mặt trận cũng góp phần phân hóa Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Việc đạt thỏa thuận về đàm phán bốn bên cũng là minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối của Đảng ta khi thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, có tác dụng cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn thể đồng bào, chiến sĩ miền Nam, nhất là trong bối cảnh ta gặp nhiều khó khăn về lực lượng, thế đứng chân trong các năm 1969-1970.
Một số kinh nghiệm rút ra từ hoạt động ngoại giao năm Mậu Thân
Hoạt động trên mặt trận ngoại giao trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm" đưa sự nghiệp kháng chiến sang trang mới. Từ thực tiễn đấu tranh đó, có thể rút ra một số bài học quan trọng sau:
Một là, giữ vững nguyên tắc kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, tạo sức mạnh tổng hợp; đồng thời đấu tranh ngoại giao cần phát huy tinh thần độc lập, tích cực, chủ động nhằm đạt được mục tiêu chiến lược cách mạng đề ra. Nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp khác nhau, mặt trận ngoại giao đã góp phần đánh lạc hướng nhận định, khoét sâu sai lầm chiến lược của đối phương; đồng thời giữ vững thành quả trên chiến trường bằng những cam kết công khai của đối phương, khuếch trương thắng lợi và tranh thủ sự ủng hộ to lớn về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, trực tiếp đóng góp vào chiến thắng và chi viện cho chiến trường.
Hai là, trên cơ sở nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, theo dõi chặt chẽ những diễn biến tình hình khu vực, trên trường quốc tế có liên quan, mặt trận ngoại giao cần có bước đi phù hợp, nhằm tranh thủ tối đa những thuận lợi, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực đến sự nghiệp cách mạng trong nước. Dù bối cảnh quốc tế cuối những năm 60 của thế kỷ XX và phong trào cách mạng thế giới có diễn biến rất phức tạp, nhất là mâu thuẫn giữa Liên Xô với Trung Quốc trở nên gay gắt, nhưng nhờ có chiến lược, sách lược đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân ta vẫn tranh thủ được sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Ba là, phát huy nhiều hình thức, biện pháp tiến công trực diện kẻ thù, khai thác tối đa mâu thuẫn nội bộ, đẩy đối phương vào tình thế ngày càng bị cô lập. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ngoại giao ta đã góp phần to lớn thúc đẩy phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao, tạo áp lực lớn đối với chính quyền Giônxơn; đồng thời đẩy mạnh tố cáo thái độ ngoan cố, hiếu chiến cùng thủ đoạn lừa bịp của Mỹ, làm tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn..., tạo lợi thế trong cục diện "đánh - đàm" tại Hội nghị Pari, qua đó phát huy những thắng lợi đã đạt được, đồng thời góp phần khắc phục được những khó khăn ở chiến trường, nhất là tổng tiến công đợt 2 và đợt 3.
Sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã trôi qua tròn nửa thế kỷ, song tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại này trường tồn cùng thời gian. Trong thời điểm bước ngoặt đó, mặt trận ngoại giao tự hào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng. Những kinh nghiệm, những bài học hay về sự kết hợp đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự trong tổng tiến công cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta cần nghiên cứu vận dụng, phát huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bài viết trích trong cuốn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân mậu Thân 1968
[3]. Được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra ngày 8-4-1965, bao gồm: 1- Xác nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, phía Mỹ phải rút quân đội, nhân viên quân sự, các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, triệt phá các căn cứ quân sự, chấm dứt can thiệp ở miền Nam, các hành động quân sự chống miền Bắc Việt Nam. 2- Hai miền đều không có liên minh quân sự với nước ngoài, không có căn cứ quân sự, nhân viên quân sự nước ngoài trên đất của mình. 3- Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, không có can thiệp của nước ngoài.
[4]. Được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra ngày 22-3-1965, bao gồm: 1- Lên án Mỹ là kẻ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là kẻ gây chiến và xâm lược cực kỳ thô bạo. 2- Nhân dân miền Nam kiên quyết đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập, tiến tới thống nhất đất nước. 3- Nhân dân và Quân giải phóng miền Nam quyết hoàn thành đầy đủ nhất nghĩa vụ thiêng liêng của mình là đánh đuổi đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. 4- Nhân dân miền Nam biết ơn sâu sắc sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới và tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận mọi sự giúp đỡ, kể cả vũ khí và dụng cụ chiến tranh của bạn bè khắp năm châu. 5- Toàn dân đoàn kết, toàn dân vũ trang, tiếp tục anh dũng xông lên, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ và bọn Việt gian bán nước.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Hội đàm và ký kết biên bản làm việc với Nhà xuất bản Nhân dân Giang Tô, Trung Quốc
- Tỉnh ủy Long An tổ chức quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Giới thiệu ra mắt sách “Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Việt - Thụy Điển
- Chúc mừng Ngày truyền thống Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Chúc mừng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp 94 năm Ngày truyền thống
- Ra mắt Tập 3 và Tập 4 Bộ sách Vững bước trên con đường đổi mới của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Khai giảng lớp cán bộ cấp vụ học trực tuyến tại Việt Nam và khảo sát thực tế tại Trung Quốc
- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng
- Báo cáo về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Học viên Quân y
- Ra mắt sách Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt nội dung cốt lõi cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng