7 năm thực hiện Luật Xuất bản: Còn nhiều thách thức

Ngày đăng: 03/06/2020 - 16:06

Sau 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số hạn chế.

Còn nhiều bất cập

Luật Xuất bản năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản về quy hoạch tại Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch. Căn cứ các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định; Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 5 thông tư để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và nghị định.

Thực tế trong thời gian qua, hoạt động xuất bản cũng đã có những bước phát triển tốt, duy trì được sự ổn định. Một số lĩnh vực còn có sự bứt phá như: khối lượng xuất bản phẩm tăng mạnh với chất lượng tốt trong những năm gần đây. So với các nước trong khu vực thì xuất bản Việt Nam phát triển khá nhanh. Để đạt được những kết quả đó, ngoài những nỗ lực của các đơn vị xuất bản, các cơ quan quản lý, còn có sự đóng góp rất quan trọng của Luật Xuất bản và một số luật liên quan…

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những nguyên nhân là từ chính các nội dung của Luật Xuất bản, đặc biệt là khâu tổ chức thực thi các quy định của pháp luật. Qua 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, với sự phát triển về kinh tế, xã hội và cuộc cách mạng 4.0, quá trình thực thi hệ thống pháp luật về xuất bản không khỏi bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, Luật còn có một số điều khoản quá cụ thể, chi tiết, gò bó… gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện như việc đăng ký lại và chờ cấp số giấy phép mới đối với một cuốn sách được tái bản trong cùng một năm được quy định chặt chẽ hơn mức cần thiết. Quy định này đã làm các đơn vị xuất bản phải chờ đợi thêm thời gian nhất định, làm chậm thời gian phát hành “vàng” của cuốn sách ra thị trường để đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc.

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Theo đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể đối với việc đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm và loại hình kinh doanh sách online; hoạt động phát hành sách kèm các chương trình khác (không phải kinh doanh, phát hành sách truyền thống), nhằm đảm bảo chất lượng, nội dung sách khi đến tay bạn đọc và công bằng giữa các thành phần tham gia thị trường xuất bản, phát hành sách; đồng thời, xem xét, bổ sung quy định cấp lại Giấy xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm trong trường hợp mất/hỏng. Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn chưa quy định nội dung này.

Quy định của pháp luật hiện nay chưa rõ ràng trong việc xác định "xuất bản điện tử" và "xuất bản phẩm điện tử" gây khó khăn trong việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; ví dụ: Khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa xuất bản phẩm lên trang thông tin điện tử, mạng xã hội thì quản lý, cấp phép như thế nào?...

Về công tác báo cáo định kỳ, nên có cổng thông tin điện tử cho các doanh nghiệp báo cáo online, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tục hồ sơ và thời gian cấp phép đối với xuất bản phẩm cần tinh giản, có thể cho phép kê khai cũng như tra cứu online về giấy phép xuất bản, tạo điều kiện cho cơ sở in tra cứu lại thông tin và kiểm tra chéo với tài liệu khách hàng đặt in cung cấp.

Hiện nay, xu hướng số hóa và các lợi ích của phương thức xuất bản điện tử là rõ ràng và không thể đảo ngược. Các sản phẩm của xuất bản điện tử hiện tại đã không chỉ giới hạn ở ebook, audio books mà đã mở rộng nội hàm, bao gồm elearning, video… thậm chí kết hợp tất cả format trong một xuất bản phẩm: Sách in có tích hợp video (quét QR code để xem) và audio (ví dụ bút chấm đọc). Vì vậy, việc điều chỉnh quy định của pháp luật liên quan đến xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thay đổi, cập nhật để hỗ trợ và tạo điều kiện cho loại hình xuất bản này phát triển.

Trong thời đại 4.0, một vướng mắc của Luật Xuất bản là việc liên kết phát hành xuất bản phẩm điện tử. Do sản phẩm đa dạng cho các đối tượng độc giả như sách kinh tế - quản trị kinh doanh, sách chính trị xã hội, lịch sử, khoa học, kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng mềm… nên đối tác liên kết cũng rất đa dạng để phù hợp với chủ đề sách (đối tác thường xuyên là khoảng 10 nhà xuất bản). Tuy nhiên, hiện nay, để kiểm soát sự phát triển có tính tự phát và cả yếu tố phi thị trường của việc kinh doanh phát hành sách điện tử ở nước ta, Nhà nước có quy định các yêu cầu để các nhà xuất bản được đăng ký xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Với nhiều đơn vị làm xuất bản tư nhân có sản phẩm đa dạng cho các đối tượng độc giả thì không phải lúc nào cũng là đối tác liên kết của các đơn vị đã được cấp phép xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Trước nạn vi phạm quyền tác giả đang ngày càng nghiêm trọng và khó kiểm soát, rất cần các cơ quan chức năng phối hợp toàn diện về cơ chế, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để vi phạm, xử phạt nghiêm minh, chặn được những trang web xấu, độc, bảo vệ được lợi ích kinh tế của các nhà cung cấp sách điện tử và góp phần tạo ra môi trường internet an toàn, lành mạnh ở nước ta, đưa sách chất lượng đến độc giả.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận