Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh cải cách thể chế và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, tạo ra sự thống nhất quyền lực nhà nước, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị, hướng tới xây dựng một nhà nước thực sự tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, để đáp ứng những yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập và tham gia vào toàn cầu hoá của nước ta thì việc không ngừng hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một yêu cầu tất yếu. Chính vì vậy, việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước trong việc tổ chức và thực thi quyền lực nói chung, quyền lực nhà nước mà cụ thể là tổ chức bộ máy nhà nước nói riêng trở nên cấp bách và thiết thực hơn bao giờ hết. Từ kinh nghiệm của các nước đi trước, chúng ta sẽ rút ra được những bài học, những phương thức hoàn thiện nhất và phù hợp nhất với điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta. Một trong những nước mà chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện bộ máy nhà nước ta, đó là Cộng hòa Pháp.
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ cả về văn hóa, lịch sử, kinh tế và chính trị. Lịch sử đã đưa hai nước đến những quan hệ rất đặc biệt, thăng trầm qua các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay hai nước đã có quan hệ khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Với mục đích trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Bộ máy nhà nước Cộng hòa Pháp: mô hình tổ chức và hoạt động của TS. Tống Đức Thảo. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo thiết thực trong việc nghiên cứu hoàn thiện tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước ở nước ta hiện nay.