Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam

Ngày đăng: 27/01/2016 - 15:01

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành, là công trình nghiên cứu của Viện Dân tộc học triển khai từ năm 2012 đến nay, dựa trên kết quả của hệ đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, của Hội nghị Thông báo Dân tộc học trong ba năm (2012-2014) và kế thừa thành tựu nghiên cứu của chính các tác giả. Bộ sách này như là sự kết nối với bộ sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam của Viện Dân tộc học - gồm hai tập: tập Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc) xuất bản năm 1978 và tập Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam) xuất bản năm 1984. Từ khi bộ sách này ra đời, mặc dù đã có thêm nhiều ấn phẩm của Viện Dân tộc học viết về các tộc người ở nước ta, song chưa có ấn phẩm nào liên kết được cả 54 dân tộc và có chung một khung phân tích nhất định về việc nghiên cứu và tình hình phát triển, biến đổi của 54 dân tộc ở Việt Nam kể từ năm 1986 đến nay.    

Các dân tộc ở Việt Nam-biaViệc xây dựng bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam được đặt trong bối cảnh tổng kết vấn đề nghiên cứu về tộc người và sự phát triển, biến đổi của các dân tộc ở Việt Nam kể từ sau khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979 và nhất là kể từ năm 1986 - khi Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Tổng kết này do Viện Dân tộc học đề xuất, được nhiều tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và làm công tác dân tộc trong cả nước tham gia. Mục đích của việc xây dựng bộ sách là góp phần tổng kết tình hình nghiên cứu; xem xét sự phát triển và biến đổi về kinh tế - xã hội của các tộc người; xác định những vấn đề đã, đang và sẽ đặt ra về phát triển đối với các tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước. Qua đó, công trình góp phần nâng cao nhận thức vấn đề tộc người ở nước ta trong khoảng gần 30 năm; tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách dân tộc của Việt Nam trong giai đoạn mới; tăng cường hợp tác giữa Viện Dân tộc học với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đào tạo và công tác về vấn đề dân tộc; thiết thực kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2015).

Để triển khai biên soạn bộ sách, Viện Dân tộc học đã có nhóm điều hành, gồm các thành viên: PGS. TS. Vương Xuân Tình - Viện trưởng, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Viện trưởng, PGS. TS. Nguyễn Văn Minh - Phó Viện trưởng và TS. Trần Minh Hằng - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế. Tiếp đó, vào đầu năm 2013, Viện tổ chức cuộc hội thảo để chuẩn bị cho việc biên soạn bộ sách với sự tham gia của các cán bộ có kinh nghiệm nghiên cứu ở trong và ngoài Viện Dân tộc học. Để bảo đảm sự thống nhất, nhóm điều hành đã xây dựng khung bài viết và các hướng dẫn thực hiện thu thập tài liệu điền dã, phương pháp tổng quan tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật biên soạn, xây dựng kế hoạch nghiên cứu và biên soạn trong ba năm (từ 2013 đến 2015). Tham gia biên soạn bộ sách, ngoài cán bộ của cơ quan, còn có một số nhà nghiên cứu có kinh nghiệm ở ngoài Viện. Việc phối hợp đó vừa góp phần nâng cao chất lượng công trình, vừa thực hiện đào tạo cán bộ nghiên cứu cho Viện Dân tộc học và tăng cường hợp tác giữa Viện Dân tộc học với một số cơ quan nghiên cứu, đào tạo và làm công tác dân tộc của nước ta.

Do kinh phí nghiên cứu có hạn nên việc biên soạn bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam được dựa trên cả tài liệu điền dã và tài liệu thứ cấp. Với các dân tộc đã có nhiều nghiên cứu như Kinh (Việt), Mường, Tày, Thái, Nùng…, việc biên soạn dựa vào tài liệu thứ cấp; còn với các dân tộc ít được nghiên cứu, việc biên soạn chủ yếu dựa vào cả tài liệu thứ cấp và tài liệu điền dã. Tuy nhiên, như đã trình bày, do kinh phí hạn chế, nên theo kế hoạch, Viện Dân tộc học chỉ thực hiện điền dã ở 19 dân tộc trong tổng số hơn 30 dân tộc còn ít được nghiên cứu kể từ năm 1986 đến nay. Năm 2013, cán bộ của Viện đã thực hiện điền dã ở 6 dân tộc có liên quan đến biên soạn bộ sách, gồm: Thổ, Giáy, Lào, La Chí, Bố Y, Pu Péo; năm 2014 thực hiện điền dã ở 7 dân tộc: Ơ-đu, Mảng, Mạ, Mnông, Tà-ôi, Xơ-đăng, Bru-Vân Kiều; và đến năm 2015, tiến hành điền dã ở 6 dân tộc: Ngái, Cống, Si La, La Hủ, Chu-ru, Raglai.

Trong bộ sách này, dân tộc Kinh (Việt) lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng quát, nên được đề cập tương đối toàn diện và không theo cấu trúc khung biên soạn chung. Với các dân tộc khác, trong biên soạn đều có ba nội dung cơ bản: 1- Tổng quan tình hình nghiên cứu; 2- Trình bày, phân tích sự phát triển và biến đổi về kinh tế - xã hội kể từ năm 1986 đến nay; 3- Một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và sự phát triển của tộc người đó. Tuy nhiên, do bối cảnh và điều kiện nghiên cứu đã nêu, nên chất lượng biên soạn về các dân tộc khó đạt được sự tương đồng. Điều này chưa phải do năng lực hay tinh thần trách nhiệm của tác giả biên soạn, mà chủ yếu do cơ sở tài liệu phục vụ cho biên soạn. Đó là, có sự khác biệt nhất định trong biên soạn giữa tộc người được nghiên cứu có điền dã với tộc người được nghiên cứu chỉ qua tài liệu thứ cấp; và ngay cả với những tộc người được biên soạn chỉ bằng nghiên cứu tài liệu thứ cấp, cũng có những dân tộc có nhiều tài liệu nghiên cứu và dân tộc có ít tài liệu nghiên cứu hơn. Khó khăn này là không tránh khỏi, bởi Viện Dân tộc học không đủ nguồn lực thực hiện nghiên cứu có điền dã cho cả 54 dân tộc ở Việt Nam trong thời gian ngắn. Ngược lại, nếu tiến hành chương trình nghiên cứu có điền dã ở tất cả các tộc người, trong điều kiện hiện nay, khó có thể thực hiện việc biên soạn một bộ sách cho cả 54 dân tộc.

Vẫn trong điều kiện và bối cảnh biên soạn bộ sách nêu trên, các nhận định, đánh giá về sự phát triển, biến đổi kinh tế - xã hội cũng như vấn đề đặt ra trong phát triển của một số tộc người có thể chỉ mang ý nghĩa gợi mở và chỉ tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo. Như vậy, sự đóng góp chủ yếu khi biên soạn về những tộc người này lại chính là thông tin về “khoảng trống” trong nghiên cứu các tộc người đó kể từ năm 1986 đến nay.

Trong quá trình hoàn thiện bản thảo của bộ sách, Chủ biên, nhóm điều hành, Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế của Viện Dân tộc học đã tổ chức để một số tác giả biên tập chéo công trình của nhau. Tiếp đó, các tác giả trình bày bản thảo trong sinh hoạt khoa học của Viện và mỗi bản thảo, ngoài ý kiến đóng góp của hai cán bộ phản biện, còn được sự góp ý của những người tham dự. Để hoàn thiện bản thảo trước khi gửi tới Nhà xuất bản, cán bộ Tòa soạn Tạp chí Dân tộc học còn góp phần biên tập kỹ thuật.  

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam gồm 4 tập:

Tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường;

Tập 2: Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Kađai;

Tập 3: Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme;

Tập 4: Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, Hán, Tạng - Miến và Mã Lai - Đa Đảo.

Trong mỗi tập, có lời mở đầu; ở tập 1: Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, có bài tổng luận của bộ sách; ở tập 4: Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao, Hán, Tạng - Miến và Mã Lai - Đa Đảo, có phần kết luận của bộ sách.       

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về hệ ngôn ngữ và cần bảo đảm cân đối về dung lượng giữa các tập, nên cấu trúc của bộ sách này chưa thể hiện được mối liên hệ giữa các nhóm ngôn ngữ với hệ ngôn ngữ. Tên dân tộc và việc xếp thứ tự các dân tộc thuộc từng nhóm ngôn ngữ trong bộ sách được thực hiện dựa trên bản “Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam”, do Chính phủ ủy nhiệm Tổng cục Thống kê công bố năm 1979 và đến nay vẫn còn nguyên giá trị pháp lý.

Bản đồ phân bố tộc người của bộ sách do TS. Đặng Thị Hoa và ThS. Phạm Thị Cẩm Vân thực hiện, được xây dựng theo nhóm ngôn ngữ. Nguồn số liệu dân số tộc người để xây dựng các bản đồ này được lấy từ cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2009 của Tổng cục Thống kê. Nhóm tác giả đã xây dựng bản đồ trên phần mềm bản đồ Mapinfo 8.5 và dữ liệu mã số đơn vị hành chính Việt Nam có đến thời điểm ngày 31-12-2010 trên nền bản đồ số tỷ lệ 1: 50.000, do Trung tâm Thông tin - Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp.    

Vào tháng 11-2015, tập 1 của bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam đã ra mắt bạn đọc. Dự kiến các tập 2, 3 và 4 sẽ được xuất bản trong năm 2016.

PGS. TS. VƯƠNG XUÂN TÌNH

Viện trưởng Viện Dân tộc học

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

                                                                      

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả