Bác Hồ học ngoại ngữ

Ngày đăng: 20/06/2023 - 12:06

Câu chuyện “Bác Hồ học ngoại ngữ” trong cuốn sách Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học (do TS. Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, sưu tầm và ghi chép lại, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành), là một trong những bài học sống động từ một tấm gương vĩ đại nhưng vô cùng gần gũi – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu chuyện cho thấy Bác Hồ biết tới 8 ngoại ngữ, hầu như tới nước nào là Bác học ngôn ngữ nước đó, một phần nhờ vậy mà vốn tri thức của Bác rất rộng lớn; và qua câu chuyện, chúng ta có thể học nhiều điều từ cách Bác học ngoại ngữ.

Cuốn sách Bác Hồ - Những câu chuyện và bài học

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được từ lưu trữ Pháp gần 1.000 trang tài liệu mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc những năm 1919 - 1923. Các bản sao hiện lưu tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh:

- Tờ số 50, người theo dõi báo cáo: Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Trung tốt, tiếng Pháp không biết nhiều;

- Tờ số 54, người theo dõi nhận xét: Nguyễn Ái Quốc nói thạo tiếng Anh, tiếng Pháp; có thể nói được tiếng Tây Ban Nha, Ý, Trung;

- Tờ số 56 mật thám Pháp gửi điện tín, nhận xét: Nguyễn Ái Quốc nói khá giỏi tiếng Anh, nói chuẩn tiếng Pháp;

- Tờ số 57 người theo dõi nhận xét: Nguyễn Ái Quốc nói và viết rất tốt tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, đọc và nói được một chút tiếng Ý.

Như vậy, cho đến năm 1923, trước khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến Liên Xô, những viên mật thám Pháp được phân công hằng ngày theo dõi Nguyễn Ái Quốc đã cho chúng ta biết, Người biết 5 ngoại ngữ là: Trung, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha.

Trong bản Lý lịch khai ngày 16/8/1935, khi dự Đại hội VII, Quốc tế Cộng sản năm 1935, ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc viết: Biết tiếng Pháp, Anh, Đông Dương, Ý, Quảng Đông, một ít tiếng Đức và tiếng Nga.

Tài liệu nghiên cứu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy Người sử dụng thành thạo tiếng Xiêm (Thái Lan).

Như thế, tổng hợp các nguồn tài liệu, Nguyễn Ái Quốc biết 8 ngoại ngữ là: Pháp, Anh, Ý, Trung, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Thái Lan.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể: Ai cũng biết bác Hồ rất giỏi ngoại ngữ… Vào những năm đầu 1960, và khi đó Bác cũng đã cao tuổi nhưng vẫn chăm chỉ học ngoại ngữ. Cả đời ông chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác.

Có lần tôi đến dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, tôi thấy Bác mở hộp thuốc lá ra, trong hộp có một mảnh giấy, Bác lẩm nhẩm đọc. Khi ấy tôi không dám hỏi, nhưng nghe thì thấy bác lẩm nhẩm tiếng Nga. Tôi mới hỏi: “Bác vẫn học ạ?” Bác trả lời vì ít dùng tiếng Nga nên Bác quên mất.

Nguyên Phó Thủ tướng cho hay, Bác thường để một mảnh giấy trong hộp thuốc, mỗi mảnh giấy ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi lần mở hộp giấy lấy thuốc Bác lại lẩm nhẩm học từ. Mỗi ngày 10 từ, cứ cho là rơi rụng đi thì mỗi ngày Bác cũng học được 5 - 7 từ.

Bác Hồ hiểu tiếng Nga rất sâu, nhưng vẫn ôn luyện hằng ngày dù ít dùng. “Bác học hằng ngày… Bây giờ chúng ta cứ nói học theo gương Bác Hồ, nhưng tôi chưa thấy ai học chăm như Bác”, ông nói.

Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng, Bác Hồ rất giỏi tiếng Anh. “Mới đầu nghe nói bác biết tiếng Anh, tôi nghĩ chắc Bác cũng biết chứ không thạo lắm. Nhưng lần lên dịch ở Phủ Chủ tịch, có nhiều đoàn nước ngoài đến, quay sang lần nào Bác nói tiếng nước đó. Khi nghe Bác nói tiếng Anh, tôi mới thấy Bác nói giỏi quá, hay quá”, ông kể.

Sau đó, đọc lại những lá thư Bác Hồ viết cho Quốc tế Cộng sản bằng tiếng Anh, ông Vũ Khoan thấy đúng là chữ Bác thật, viết rất chuẩn. Hóa ra tiếng Anh của Bác rất giỏi chứ không như người ta nghĩ Bác chỉ giỏi tiếng Pháp.

Nguyên Phó Thủ tướng còn cho biết, Bác Hồ nói tiếng Trung Quốc giọng không hay lắm, nhưng Bác lại am hiểu ngôn ngữ này do rất thạo chữ Nho, tiếng Hán. “Bác nói giọng không hay thôi chứ hiểu lắm, có cần phiên dịch đâu”, ông Khoan kể.

Theo ông Vũ Khoan, tri thức của Bác rất rộng một phần là nhờ vốn ngoại ngữ. Bác biết nhiều ngoại ngữ, đến nước nào là học ngôn ngữ của nước đó: đến Ý học tiếng Ý, đến Đức học tiếng Đức, đến Anh và Mỹ học tiếng Anh.

Sau khi Bác qua đời, cán bộ Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh kiểm kê các tài liệu, hiện vật của Bác, thấy trong chiếc tủ nhỏ cạnh đầu giường Bác ở Nhà Sàn có cuốn Từ điển Nga - Pháp, Pháp - Nga. Vì là sách riêng nên thấy bác dùng bút mực, bút chì đánh dấu rất nhiều từ trong sách, chứng tỏ sách được Bác dùng thường xuyên.

Bài học

Bác dạy chúng ta học suốt đời và qua việc Bác học ngoại ngữ, Bác đã nêu tấm gương như thế.

Trong bối cảnh thế giới hội nhập như hiện nay, việc học tập, trau dồi ngoại ngữ là vô cùng quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên.

 

Bình luận