Làng Việt là nơi bao đời nay cư dân Việt sinh tụ, lao động, sản xuất, tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, đồng thời là nơi cố kết quan hệ dòng tộc, láng giềng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng luôn là pháo đài kiên cố để chống giặc ngoại xâm cùng mọi yếu tố ngoại lai để bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Làng và văn hóa làng chính là chỗ dựa vững chắc cho cả dân tộc. Văn hóa làng là hệ thống những giá trị hình thành từ lâu đời trong toàn bộ các hoạt động sản xuất vật chất và sinh hoạt văn hóa tinh thần. Nó đã tạo ra những đặc trưng riêng trong tính cách của con người Việt Nam. Thế giới đầy màu sắc của văn hóa làng Việt được quy ước thành lệ làng, đúc kết trong hương ước và bộc lộ một cách phong phú qua mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần. Tất cả chắt lọc lại, tạo nên bản sắc văn hóa làng xã cổ truyền tiếp nối từ đời này sang đời khác.
Làng Việt cổ truyền luôn là đề tài nghiên cứu lý thú, hấp dẫn trên nhiều góc độ: Sử học, Dân tộc học, Văn hóa học, Chính trị học,... từ lâu thu hút được đông đảo giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Đến nay, đã có một lượng lớn các công trình nghiên cứu được công bố dưới các thể loại khác nhau: sách, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, luận án, luận văn, bài tạp chí, phóng sự bằng phim ảnh,... nhất là các sách chuyên khảo về các vấn đề chung của làng xã và về làng xã ở các địa phương. Các công trình đó mang đến cho người đọc bức tranh chung về các khía cạnh của làng quê Việt và những mảng màu riêng của làng ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, vẫn thiếu các công trình mang tính tổng kết chuyên sâu để giúp người đọc, nhất là những lớp người sinh ra gần đây dễ dàng hiểu được một cách khái quát các khía cạnh của đời sống làng Việt xưa kia.
Cuốn sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền do tác giả PGS.TS. Bùi Xuân Đính biên soạn ra đời với mong muốn cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản nhất về các khía cạnh đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của làng Việt cổ truyền. Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu các khía cạnh của làng Việt cổ truyền (địa bàn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ) từ cách tiếp cận của một cuốn từ điển - bách khoa thư, thông qua các mục từ theo các chủ đề:
- Các từ mục về kinh tế và văn hóa vật chất;
- Các mục từ về cơ cấu tổ chức và các quan hệ làng xã;
- Các mục từ về di tích thờ cúng, tín ngưỡng, hội làng, phong tục tập quán, văn hóa - văn nghệ, di văn Hán Nôm.
Mỗi mục từ được tác giả làm rõ nguồn gốc xuất hiện hoặc bối cảnh ra đời, nội dung, bản chất của khía cạnh đời sống cùng sự biến đổi của khía cạnh đó theo thời gian. Bên cạnh nét chung, nhiều trường hợp khía cạnh được phản ánh, minh họa thêm bằng những ví dụ cụ thể từ các làng quê, giúp bạn đọc thấy được tính đa dạng, phong phú của làng Việt. Đặc biệt, tác giả chú trọng đến các yếu tố Dân tộc học/Nhân học, Văn hóa học khi giới thiệu các mặt đời sống mà các từ được phản ánh. Đây là điểm độc đáo, mới lạ và hấp dẫn của cuốn sách này so với các các công trình đã công bố.
Cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là kết quả tổng hợp sự trải nghiệm của tác giả về làng quê mình thời thơ ấu đến khi vào đại học, đặc biệt là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu và tâm huyết về làng xã trong hơn 40 năm, quá trình tham gia đào tạo, giúp các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên thực hiện luận án, luận văn hay khóa luận tốt nghiệp với chủ đề chính là làng xã.
Cuốn sách không chỉ làm rõ các khía cạnh của đời sống làng Việt cổ truyền, mà còn là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách với nông thôn, các nhà nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến chủ đề làng xã Việt Nam.