Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về việc nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam do GS. TS. Dương Phú Hiệp làm chủ biên cùng với sự cộng tác của tập thể các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành khoa học - xã hội.
Nội dung cuốn sách trình bày một số nhận định, quan điểm của các tác giả về cơ sở lý luận và phương pháp luận của việc nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Theo các tác giả cuốn sách, đi tìm cơ sở lý luận và phương pháp luận của việc nghiên cứu, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế là vấn đề rất khó…. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, không một lý thuyết nào có thể đại diện cho toàn thể nhân loại, tự coi mình là chủ thuyết có giá trị toàn cầu để dẫn dắt loài người đi đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Xu thế chủ đạo hiện nay là học tập, tham khảo lẫn nhau và bổ sung cho nhau. Kinh nghiệm của nước ta và các nước khác chỉ ra rằng, không nên tuyệt đối hóa một lý thuyết nào rồi từ đó đi đến chủ nghĩa biệt phái và chủ nghĩa giáo điều. Trong việc phát triển văn hóa và con người Việt Nam hiện nay, chúng ta phải tham khảo các lý thuyết, kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này và đặc biệt là phải sáng tạo, khắc phục chủ nghĩa biệt phái và chủ nghĩa giáo điều, tránh bắt chước rập khuôn.
Và từ việc đi vào phân tích sáu vấn đề về: Mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; vấn đề tính tiên tiến và bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam; tính phức hợp của nền văn hóa Việt Nam đa tộc người, đa thành phần dân cư, đa tầng xã hội; thực trạng lý luận và phương pháp luận nghiên cứu và phát triển văn hóa và con người ở Việt Nam trong những thập niên qua và những vấn đề của sự phát triển tiếp theo; việc ứng dụng phương pháp luận đã có và xây dựng phương pháp luận mới trong nghiên cứu và phát triển văn hóa và con người; tiếp tục đổi mới nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa và con người trong phát triển, các tác giả đưa ra và nhấn mạnh một số quan điểm về văn hóa và con người đáng chú ý trong quá trình đổi mới, đó là: Quan niệm về tính thống nhất và tính đa dạng trong văn hóa Việt Nam và trong hội nhập văn hóa thế giới; Quan niệm về vấn đề tín ngưỡng và tôn giáo; Quan niệm về vấn đề nhân quyền trong thời đại ngày nay; Phê phán một số khuynh hướng sai lầm (Chủ nghĩa hư vô; Chủ nghĩa biệt phái; Chủ nghĩa giáo điều, máy móc rập khuôn trong nghiên cứu và vận dụng lý luận và kinh nghiệm của nước ngoài).
Từ sự trình bày, phân tích ở trên, ở cuối cuốn sách, các tác giả đưa ra tám điều sau: Không nên tuyệt đối hóa một lý thuyết nào; Mọi sự phát triển đều phục vụ con người; Mọi sự phát triển đều phải tính đến cội nguồn văn hóa; Không nên lạm dụng các quan điểm trái ngược nhau; Bảo tồn và phát triển văn hóa thúc đẩy lẫn nhau; Cần giải quyết mối quan hệ giữa kế thừa văn hóa truyền thống và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; Nên tập trung nghiên cứu vấn đề giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; Sớm xác định rõ tiêu chí đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tiêu chí tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nội dung cuốn sách gồm bốn chương chính:
Chương I: Khái niệm văn hóa, con người và các khái niệm liên quan;
Chương II: Cơ sở lý luận, phương pháp luận nghiên cứu và phát triển văn hóa và con người;
Chương III: Một số phương pháp tiếp cận cần thiết trong nghiên cứu, phát triển văn hóa và con người Việt Nam;
Chương IV: Một số quan niệm về văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Ngọc Huệ