EU, một trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng hàng đầu thế giới, luôn là một trong những định hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục được củng cố bằng các mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU, đặc biệt là quan hệ “đối tác chiến lược” với Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha; quan hệ “đối tác toàn diện” với Hà Lan, Đan Mạch, Hunggari; quan hệ bạn bè truyền thống với tất cả các nước thành viên Đông Âu của EU.
Quan hệ Việt Nam - EU từ lâu đã được nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu, đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu toàn diện về chính sách của EU đối với Việt Nam mà chỉ có những bài nghiên cứu ngắn hay những bài nghiên cứu đánh giá về chính sách kinh tế của EU đối với Việt Nam. Cuốn sách Chính sách của EU đối với Việt Nam: Thực tiễn và triển vọng là công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của nhóm tác giả với mong muốn góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về quan hệ hợp tác giữa EU với Việt Nam. Về lý luận, cuốn sách sẽ hỗ trợ việc tìm hiểu quá trình hoạch định chính sách và phát triển quan hệ Việt Nam - EU. Về thực tiễn, nội dung cuốn sách sẽ giúp các nhà nghiên cứu trẻ định hướng đúng khi triển khai nghiên cứu và góp phần hỗ trợ tích cực quá trình giảng dạy các chuyên đề nghiên cứu về EU, chính sách đối ngoại với nước lớn, quan hệ các nước lớn trong các chương trình đào tạo tại các học viện, trường đại học có chuyên ngành quan hệ quốc tế.
Cuốn sách gồm 4 chương: Chương 1 phân tích những nhân tố khách quan về tình hình thế giới, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương tác động đến chính sách của EU đối với Việt Nam; những nhân tố chủ quan về tình hình châu Âu, tình hình Việt Nam, lịch sử quan hệ hai bên trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Chương 2 chứng minh vai trò, vị trí của EU và Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đi sâu phân tích nội dung quá trình triển khai chính sách của EU đối với Việt Nam trên các mặt chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa.
Chương 3 dựa trên cơ sở những chính sách hợp tác hai bên đã triển khai để đánh giá đặc điểm của mối quan hệ Việt Nam - EU giai đoạn hiện nay; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách đối với Việt Nam của EU, từ đó làm căn cứ cho dự báo chính sách thời gian tới. Chương 4 phân tích, dự báo tình hình thế giới và khu vực, tình hình nội bộ của EU và Việt Nam, xu hướng vận động tác động đến chính sách của EU; dự báo triển vọng chính sách của EU đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích, giúp các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, nhà hoạch định chính sách và bạn đọc nắm bắt, cập nhật thông tin chính thống về Liên minh châu Âu cũng như có những đánh giá, nhận định xác đáng hơn về các chính sách mà tổ chức này đã, đang và sẽ áp dụng đối với Việt Nam.